Hội thảo về công nghệ khoan neo và neo cáp

Sáng 14/7, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Công ty CP than Kushiro (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo về công nghệ khoan neo và neo cáp. Dự Hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó TGĐ Tập đoàn, Giám đốc Trung tâm ĐHSX tại Quảng Ninh; các Ban CKM, KCL, CV, AT, QT; Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ các công ty sản xuất than hầm lò, tư vấn…

Trong những năm qua, Tập đoàn TKV đã ban hành áp dụng cơ chế khuyến khích chống lò bằng vì neo, Tập đoàn và các đơn vị đã chỉ đạo, triển khai tại các mỏ, song việc áp dụng trong thực tế vẫn còn hạn chế, tỷ lệ mét lò neo trên tổng số mét lò đào hàng năm đạt thấp. Theo thống kê, trong các năm 2013-2015 và 6 tháng đầu năm 2016, tổng số mét lò neo đạt được là 10.703m/993.716m lò mới, đạt tỷ lệ 1,08%; trong đó 6 tháng đầu năm 2016 là 2.389m lò neo/119.001m, đạt 2,01%, các đơn vị đạt cao như Mạo Khê đạt 751m, Khe Chàm đạt 551m, Uông Bí 302m…, năm 2016 dự kiến thực hiện trên 5.000m, bằng 1,95% tổng mét lò đào.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS Matsumoto Hiroyuki (Công ty CP than Kushiro) thuyết trình về công nghệ neo cáp tại Công ty CP than Kushiro (Nhật Bản), giới thiệu về các thiết bị dùng cho chống lò bằng vì neo; so sánh các máy khoan neo và tham luận của Viện Khoa học Công nghệ mỏ – Vinacomin (IMSAT) về “Tình hình và xu hướng áp dụng neo bu lông tại các mỏ than ở Việt Nam”. Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về công nghệ khoan neo và neo cáp, các loại hình công nghệ chống neo đã áp dụng…

Hội thảo là một trong những nội dung thuộc Dự án “Nâng cao năng lực sản xuất than”, hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam với tổ chức Jcoal (Nhật Bản). Thông qua Hội thảo, nhằm giúp lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật hiểu rõ tầm quan trọng của khoan neo và nắm vững những kỹ thuật cơ bản trong chống lò bằng vì neo (đặc biệt là neo cáp), đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện, nghiên cứu công nghệ, thiết bị khoan neo và neo cáp, áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất của từng đơn vị, nâng cao tốc độ đào lò, nâng cao khả năng cơ giới hóa khâu chống lò, giảm mức độ nặng nhọc cho thợ lò, giảm chi phí đào, chống lò, mang lại hiệu quả trong sản xuất.

Các mục khác