Hội nghị nghiệm thu đề tài KHCN cấp Tập đoàn TKV “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo đầu kéo khí nén sử dụng để vận chuyển vật tư thiết bị”

Ngày 12/5/2023, Hội đồng Khoa học Công nghệ cấp Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài Nghiên cứu, thiết kế chế tạo đầu kéo khí nén sử dụng để vận chuyển vật tư, thiết bị do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin thực hiện.

Hội đồng nghiệm thu đề tài

Hội đồng KHCN của đề tài được thành lập theo Quyết định số: 2276/QĐ-TKV, ngày 31/12/2020 gồm 9 thành viên, do Ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV làm Chủ tịch.

– Cơ quan quản lý: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam

– Cơ quan thực hiện: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin

– Chủ nhiệm đề tài: ThS. Vũ Đình Mạnh

Trong các mỏ than hầm lò, công tác vận chuyển người, vật tư, thiết bị là một  trong những khâu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất. Những năm qua, các đơn vị khai thác than trực thuộc Tập đoàn TKV cũng đã tích cực đầu tư các hệ thống vận chuyển người, vật tư, thiết bị nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất. Các phương tiện vận tải hiện đã giải quyết được việc vận chuyển thiết bị trong các đường lò vận tải chính. Tuy nhiên, trong quá trình đào lò, khai thác khi phải vận chuyển vật tư, thiết bị cục bộ, cung độ ngắn, độ dốc lớn các đơn vị chủ yếu dùng tời điện kéo thuyền trượt trên nền lò hoặc đặt ray tạm vận chuyển bằng xe goòng, đẩy thủ công. Những phương tiện này cho năng suất thấp, việc đặt đường ray tạm khó khăn, phức tạp, không an toàn…

Trên cơ sở đó Viện KHCN Mỏ đăng ký và được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo đầu kéo khí nén sử dụng để vận chuyển vật tư, thiết bị”  thuộc chương trình KC-02/16-20:

ThS. Vũ Đình Mạnh trình bày báo cáo tại Hội đồng

Đề tài tập trung nghiên cứu những nội dung chính: Khảo sát, đánh giá tổng quan hiện trạng công tác vận tải vật tư, thiết bị trong mỏ than hầm lò. Đánh giá nhu cầu, khả năng áp dụng đầu kéo khí nén trong điều kiện thực tế sản xuất tại mỏ; Nghiên cứu xác lập các thông số, xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với đầu kéo khí nén. Nghiên cứu lựa chọn vật liệu, tính toán thiết kế kiểm tra bền các cụm chi tiết chính của thiết bị; Lập bộ bản vẽ thiết kế chế tạo đầu kéo khí nén, qui trình công nghệ gia công, chế tạo các cụm chi tiết đầu kéo khí nén; Chế tạo 01 đầu kéo khí nén.

 Sản phẩm của đề tài đã được áp dụng thực tế tại lò thượng thông gió mức -205/-140- Công ty CP than Núi Béo. Kết quả thử nghiệm cho thấy thiết bị hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật theo thiết kế.

Sau khi nghe các tác giả trình bày các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm của đề tài tại mỏ than Núi Béo. Hội đồng khoa học Tập đoàn đã đánh giá cao các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của đề tài và đã thống nhất nghiệm thu đề tài đạt loại khá./.

Đ.L

Các mục khác