Ngày 08/11/2024, Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề “Nghiên cứu giải pháp khai thác trữ lượng than trong các trụ bảo vệ đối tượng chứa nước tại mỏ hầm lò thuộc TKV” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện.
Hội đồng Khoa học nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Đề tài
Theo kết quả khảo sát tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy phần lớn trữ lượng dưới đối tượng chứa nước bề mặt nằm tại các mỏ lớn là Mạo Khê, Dương Huy, Vàng Danh, Hà Lầm, Khe Chàm II-IV, Quang Hanh, Nam Mẫu và Khe Chàm III.
Công nghệ khai thác than dưới các đối tượng chứa nước bề mặt đã được nhiều nước trên thế giới triển khai thực hiện như Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Anh, Canada, Chi Lê, Mỹ, Úc, v.v..
Xuất phát từ thực tế trên, Tập đoàn TKV đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp khai thác trữ lượng than trong các trụ bảo vệ đối tượng chứa nước tại các mỏ hầm lò thuộc TKV” nhằm nghiên cứu đề xuất sơ đồ, giải pháp công nghệ phù hợp làm cơ sở khoa học thực tiễn để huy động phần than nằm trong trụ bảo vệ đối tượng chứa nước, tận thu tối đa tài nguyên, nâng cao hiệu quả và tuổi thọ các dự án mỏ hầm lò.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm khai thác than dưới đối tượng chứa nước tại các nước trên thế giới. Viện cũng đã phối hợp với một số đơn vị của Tập đoàn TKV khảo sát, đánh giá phần trữ lượng than theo quy hoạch để lại trụ bảo vệ đối tượng chứa nước bề mặt và chiều sâu khai thác an toàn, đặc điểm điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ. Từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ hợp lý và định hướng áp dụng thử nghiệm tại 08 mỏ gồm Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Hà Lầm, Ngã Hai (Công ty than Quang Hanh), Khe Tam, Khe Chàm III và Khe Chàm II-IV. Các giải pháp kỹ thuật đề xuất gồm 2 nhóm là: Các giải pháp tháo khô, cách ly đối tượng chứa nước và Các giải pháp công nghệ khai thác hợp lý vỉa than dưới đối tượng chứa nước. Kết quả tính toán cho thâý việc áp dụng các giải pháp công nghệ đề xuất lựa chọn cho phép đem lại hiệu quả kinh tế khả thi cho các mỏ.
Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn TKV đã thống nhất nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Đề tài. Kết quả nghiên cứu của Đề tài là cơ sở để Tập đoàn TKV xem xét, chỉ đạo các đơn vị triển khai áp dụng trong thời gian tới ./
Đ.L