Tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua, trong đó, quy định lấy ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Không những vậy, đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, website www.imsat.vn xin trân trọng giới thiệu tóm tắt tới bạn đọc một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ.
1. Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 (ngày 18/6/2013)
Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã ban hành luật về khoa học và công nghệ (KH&CN)số 29/2013/QH13.
Luật này gồm 11 chương và 81 điều, quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN; việc tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Trong đó nêu rõ nguyên tắc hoạt động KH&CN là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KH&CN; Xây dựng và phát huy năng lực nội sinh về KH&CN kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động KH&CN vì sự phát triển của đất nước;Trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.
(Xem chi tiết tại đây)
2. Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN số 08/2014/NĐ-CP (ngày 27/1/2014)
Luật này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều và một số vấn đề cần thiết khác của Luật khoa học và công nghệ liên quan đến thành lập tổ chức khoa học và công nghệ , văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN; đánh giá độc lập tổ chức KH&CN; trình tự, thủ tục xác định, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN đặc biệt; hội đồng tư vấn KH&CN, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập; kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN; thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách Nhà nước; phát triển thị trường KH&CN. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2014.
(Xem chi tiết tại đây)
3. Thông tư hướng dẫn đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước số 12/2009/TT-BKHCN (ngày 8/5/2009)
Thông tư này gồm 5 chương và 28 điều, quy định việc đánh giá nghiệm thu, công nhận kết quả, thanh lý hợp đồng và xử lý vi phạm đối với đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm có sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, dự án KH&CN và nhiệm vụ độc lập cấp Nhà nước.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đánh giá nghiệm thu đề tài, dự án quy định tại Khoản 1, Điều 1, Thông tư này; Các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN, các đơn vị chức năng thuộc các cơ quan chủ quản quản lý dự án KH&CN.
Việc đánh giá đề tài, dự án phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
– Căn cứ vào hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được ký kết và các nội dung đánh giá được quy định tại Thông tư này.
– Đảm bảo tính dân chủ, khách quan, trung thực và chính xác.
– Tiến hành đúng quy trình, thủ tục quy định tại Thông tư này.
Việc đánh giá được thực hiện theo hai cấp gồm đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở và đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước. Cấp cơ sở chỉ thực hiện đánh giá kết quả đề tài, dự án thông qua hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở do tổ chức chủ trì đề tài, dự án thực hiện. Cấp Nhà nước bao gồm đánh giá kết quả đề tài, dự án và đánh giá việc tổ chức thực hiện đề tài, dự án. Đánh giá kết quả đề tài, dự án được thực hiện thông qua hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước. Đánh giá kết quả đề tài, dự án ở cấp Nhà nước chỉ thực hiện đối với các đề tài, dự án được hội đồng đánh giá cấp cơ sở xếp loại “Đạt”. Đối với các đề tài, dự án có kết quả nghiên cứu là các sản phẩm có thể đo kiểm được (kể cả phần mềm máy tính…), thì tính xác thực của các thông số kỹ thuật và tài liệu công nghệ còn được thẩm định bởi tổ chuyên gia trước khi hội đồng họp phiên đánh giá cấp Nhà nước.
Kinh phí đánh giá cấp cơ sở được lấy từ kinh phí thực hiện đề tài, dự án. Kinh phí đánh giá đề tài, dự án cấp Nhà nước được lấy từ ngân sách sự nghiệp khoa học hàng năm của Bộ KH&CN hoặc cơ quan chủ quản. Chi phí phát sinh để hoàn thiện các sản phẩm và tài liệu của đề tài, dự án theo yêu cầu của hội đồng các cấp do tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án tự trang trải.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 13/2004/QĐ-BKHCN ngày 15/5/2004 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc ban hành “Quy định đánh giá nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Nhà nước” và Quyết định số 04/2007/QĐ-BKHCN ngày 19/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá nghiệm thu đề tài KH&CN’’.
(Xem chi tiết tại đây)
4. Thông tư hướng dẫn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước số 06/2012/TT-BKHCN (ngày 12/3/2012)
Thông tư này hướng dẫn việc tổ chức xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo đặt hàng của Nhà nước bao gồm các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm thuộc các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước để tuyển chọn hoặc giao trực tiếp cho các tổ chức và cá nhân thực hiện.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến bí mật Nhà nước không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
(Xem chi tiết tại đây)
5. Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước Số 07/2014/TT-BKHCN (ngày 26/5/2014)
Thông tư này gồm 5 chương và 25 điều, qui định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước dưới các hình thức đề tài khoa học và công nghệ; dự án sản xuất thử nghiệm; đề án khoa học; dự án KH&CN; chương trình KH&CN.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động KH&CN, cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2014 và thay thế Thông tư 06/2012/TT-BKHCN ngày 12/03/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước
(Xem chi tiết tại đây)
6. Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia sử dụng NSNN số 10/2014/TT- BKHCN (ngày 30/5/2014)
Thông tư này gồm 5 chương và 21 điều, quy định việc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước bao gồm:
– Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia;
– Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Quốc gia;
– Đề án khoa học cấp Quốc gia.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức KH&CN, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 và thay thế Thông tư số 08/2012/TT-BKHCN ngày 02 tháng 4 năm 2012 và Thông tư số 09/2012/TT-BKHCN ngày 02 tháng 4 năm 2012.
(Xem chi tiết tại đây)
7. Thông tư hướng dẫn quản lý dự án khoa học và công nghệ số 11/2013/TT-BKHCN (ngày 29/3/2013).
Thông tư này gồm 5 chương và 22 điều, quy định việc xây dựng và quản lý các dự án KH&CN có sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, ưu tiên, mũi nhọn được Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện, quản lý dự án KH&CN.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2013 và thay thế Quy định tạm thời về việc xây dựng và quản lý các Dự án KH&CN ban hành kèm theo Quyết định số 11/2005/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ KH&CN và Thông tư số 17/2010/TT-BKHCN.