Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu phương án đóng cửa mỏ phù hợp cho các mỏ than lộ thiên vùng Hòn Gai thuộc TKV”

Ngày 17/11/2023, Hội đồng Khoa học công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu phương án đóng cửa mỏ phù hợp cho các mỏ than lộ thiên vùng Hòn Gai thuộc TKV” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin thực hiện.

Hội đồng KHCN nghiệm thu đề tài

Các mỏ khai thác lộ thiên (KTLT) thường chiếm dụng phần diện tích đất khá lớn để mở khai trường, làm bãi thải và xây dựng các công trình phụ trợ. Quá trình khai thác và đổ đất đá thải đã làm thay đổi đáng kể địa hình, địa mạo và cảnh quan khu vực, hạ thấp mực nước ngầm, tăng lượng khí bụi,… Chính vì vậy, các nước trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hợp lý trước, trong, sau khai thác và trở thành quy định bắt buộc để khai thác mỏ bền vững, đảm bảo ba mục tiêu: Kinh tế, xã hội, môi trường. Các khu vực mỏ đã kết thúc khai thác được cải tạo thành các trung tâm giải trí, thể thao, thăm quan du lịch, kỹ thuật phục vụ đào tạo và nghiên cứu, khu vực công nghiệp chuyển đổi, phát triển nông nghiệp, cải tạo thành hồ chứa nước, trồng cây xanh, hồ chứa, quy hoạch thành các đầm lầy sinh học, khu tái chế xử lý chất thải, lưu trữ hàng hóa,…

Tại Việt Nam, công tác quản lý, chế tài thực hiện và cơ sở kỹ thuật về cải tạo phục hồi môi trường (CTPHMT) còn một số bất cập như: Quy hoạch ngành và địa phương có sự thay đổi do sự phát triển kinh tế xã hội, do đó các dự án khai thác, CTPHMT cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Trong thời gian vừa qua, Phương án CTPHMT sau khai thác được các mỏ thực hiện chủ yếu gồm: Cải tạo thành ruộng lúa (mỏ thiếc Bản Cô – Nghệ An); du lịch sinh thái (mỏ titan Cửa Hội), mỏ đá Bửu Long (Đồng Nai); trồng cây phủ xanh (các bãi thải thuộc TKV: Bãi thải Nam Đèo Nai, Chính Bắc, Lộ Phong),… Ngoài ra, hiện nay có nhiều mỏ than lộ thiên sắp kết thúc khai thác, việc nghiên cứu phương án cải tạo phục hồi môi trường phù hợp cho từng loại hình mỏ sau khi đóng cửa là cần thiết. Năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã giao cho Viện KHCN Mỏ thực hiện đề tài “Nghiên cứu phương án đóng cửa mỏ phù hợp cho các mỏ than lộ thiên vùng Hòn Gai thuộc TKV”.

Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn vùng Hòn Gai (tỉnh Quảng Ninh) hiện có 5 mỏ khai thác than lộ thiên là Núi Béo, Hà Tu, Suối Lại, Hà Lầm, Hà Ráng. Tuy nhiên, đã có 04 mỏ kết thúc khai thác, mỏ Hà Tu dự kiến sẽ khai thác đến năm 2028. Và có 05 mỏ khai thác than hầm lò là Núi Béo, Hà Lầm, Suối Lại, Hà Ráng, Bình Minh, các mỏ này sẽ kết thúc khai thác sau giai đoạn năm 2030. Để công tác CTPHMT đạt hiệu quả cần có sự cân bằng giữa các yếu tố kỹ thuật – kinh tế – xã hội, đòi hỏi sự phối hợp của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và địa phương.

Từ những kinh nghiệm của các nước trên thế giới và nghiên cứu tổng quan các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, xã hội của các mỏ khai thác than nói trên, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tiêu chí bằng việc áp dụng phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu My SQL, SQL developer, các phần mềm Office,… trong quản lý, lưu trữ dữ liệu và phương pháp lựa chọn đa tiêu chí MCA – kỹ thuật phân tích thứ bậc AHP, kỹ thuật SAW,… Đề tài đã đề xuất các phương án, giải pháp kỹ thuật cho việc đóng cửa các mỏ đảm bảo an toàn môi trường, đạt hiệu quả kinh tế.

Mô hình 3D phương án đóng cửa mỏ, cải tạo mặt bằng sau khai thác thành hồ chứa nước mỏ lộ thiên Suối Lại – Công ty than Hòn Gai

Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để các mỏ than lộ thiên vùng Hòn Gai tham khảo để thực hiện cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội, phù hợp với chủ trương thay đổi trọng tâm kinh tế từ “Nâu” sang “Xanh” của TP Hạ Long./.

Đ.L

Các mục khác