Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở

Ngày 13/12/2012, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp điều khiển đá vách hợp lý tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh".  

Ngày 13/12/2012, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp điều khiển đá vách hợp lý tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”.

Cơ quan quản lý đề tài: Bộ Công Thương

Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin;

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Anh Tuấn.

Hội đồng KHCN cấp cơ sở được thành lập theo Quyết định số 431/QĐ-QLKH, ngày 10/12/2012 của Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ-Vinacomin, gồm 7 thành viên:

TS. Trương Đức Dư, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Chủ tịch;

TS. Trần Tú Ba, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Phản biện 1;

TS. Phạm Minh Đức, Hội KHCN Mỏ Việt Nam – Phản biện 2;

TS. Lê Văn Công, Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Ủy viên;

ThS. Lê Thanh Phương, Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Ủy viên;

ThS. Đặng Hồng Thắng, Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Ủy viên;

TS. Phan Xuân Bình, Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Ủy viên thư ký.

Điều khiển đá vách tại khoảng không gian đã khai thác sau các luồng gương lò chợ, với mục đích đảm bảo sự phá hủy của đá vách không làm ảnh hưởng đến trạng thái ổn định của không gian làm việc trước gương khai thác. Đây là một công đoạn phức tạp, tiểm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Việc nghiên cứu lựa chọn phương pháp điều khiển đá vách hợp lý không những góp phần làm giảm chi phí khai thác, mà còn nâng cao mức độ an toàn trong khai thác than hầm lò.

Với mục tiêu: Lựa chọn và đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ hợp lý trong điều khiển đá vách nhằm khai thác an toàn và hiệu quả các vỉa than vùng Quảng Ninh, nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm:

1. Khảo sát, đánh giá, tổng hợp điều kiện địa chất và tính chất đá vách tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh (tập trung nghiên cứu tại một số khu vực đặc trưng như vỉa 15 – khu Ngã Hai – Công ty than Quang Hanh, vỉa 4 – mỏ Khe Chuối – Công ty TNHH MTV 91, vỉa 46 khu Hồng Thái – Công ty than Hồng Thái và vỉa 10 – Công ty than Hà Lầm).

2. Tổng hợp kinh nghiệm trong và ngoài nước về các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong điều khiển vách khi khai thác các vỉa than.

3. Nghiên cứu mối quan hệ giữa đặc điểm địa chất và khả năng sập đổ của đá vách trong điều kiện các vỉa than tại vùng than Quảng Ninh.

4. Nghiên cứu đề xuất giải pháp điều khiển vách hợp lý tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.

5. Thiết kế áp dụng thử nghiệm và theo dõi đánh giá công tác điều khiển vách tại một điều kiện mỏ cụ thể.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được những mục tiêu cơ bản, gồm: đánh giá tổng hợp điều kiện đá vách 4 mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh (vỉa 15 – khu Ngã Hai – Công ty than Quang Hanh, vỉa 4 – mỏ Khe Chuối – Công ty TNHH MTV 91, vỉa 46 khu Hồng Thái – Công ty than Hồng Thái và vỉa 10 – Công ty than Hà Lầm); tổng hợp kinh nghiệm trong và ngoài nước về các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong điều khiển đá vách khi khai thác các vỉa than; nghiên cứu lý thuyết về mối quan hệ giữa đặc điểm địa chất và khả năng sập đổ của đá vách trong điều kiện các vỉa than tại vùng than Quảng Ninh; nghiên cứu và đề xuất các  sơ đồ công nghệ khai thác với giải pháp điều khiển đá vách phù hợp cho một số điều kiện vỉa than vùng Quảng Ninh. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn khu vực lò chợ dốc thuộc vỉa 15-Công ty than Quang Hanh để thiết kế áp dụng thử nghiệm và theo dõi đánh giá hoàn thiện giải pháp công nghệ đề xuất.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được toàn bộ các thành viên của Hội đồng KHCN cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và nghiệm thu đề tài tại cấp cơ sở./.

Các mục khác