Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở

Ngày 17/12/2012, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài:"Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý điện năng cho các hộ khai thác than hầm lò".

Ngày 17/12/2012, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài

“Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý điện năng cho các hộ khai thác than hầm lò”.

Cơ quan quản lý đề tài: Bộ Công Thương

Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin;

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Vũ Thế Nam.

Hội đồng KHCN cấp cơ sở được thành lập theo Quyết định số 433/QĐ-QLKH, ngày 11/12/2012 của Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ-Vinacomin, gồm 7 thành viên:

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Chủ tịch;

TS. Trương Đức Dư, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Phó chủ tịch;

TS. Đào Đắc Tạo, Hội KHCN Mỏ Việt Nam – Phản biện 1;

ThS. Nguyễn Đình Thống, Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Phản biện 2;

ThS. Lưu Văn Thực, P.Viện trưởng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Ủy viên;

KS. Lê Văn hải, Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Ủy viên;

TS. Phan Xuân Bình, Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Ủy viên thư ký

Việc áp dụng các hệ thống quản lý điện năng tập trung đã được các nước trên thế giới áp dụng từ cách đây nhiều năm về trước và được phát triển áp dụng trong tất cả các loại hình công nghiệp. Quản lý năng lượng tập trung mang lại tính ổn định của hệ thống điện cũng như phát hiện xử lý nhanh những sự cố gây gián đoạn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp.

Ngành than đang bước vào thời kì đầu tư mạnh mẽ cho các chương trình mở rộng sản xuất, cơ giới hoá khai thác than nâng cao sản lượng khai thác và chế biến, đầu tư thêm nhiều thiết bị phục vụ khai thác cũng như cải tạo nâng công suất chế biến than. Như vậy đòi hỏi chất lượng hệ thống cung cấp điện phục vụ các chương trình trên phải đảm bảo về an toàn và tin cậy nhất là đối với các đơn vị sản xuất than hầm lò ngày càng sản xuất xuống sâu. Phần lớn các thiết bị của hệ thống cung cấp điện còn lạc hậu, không đồng bộ (của nhiều hãng khác nhau), việc quản lý điện mang tính thủ công (ghi chép theo dõi bằng tay). Trên thị trường có rất nhiều hãng nổi tiếng có các hệ thống quản lí điện năng tự động, tuy nhiên các hệ thống đó phải là đồng bộ thiết bị của chính hãng đó. Với thực trạng hiện nay của các mỏ than hầm lò việc xây dựng hệ thống quản lý điện năng là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thiết bị máy móc mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Với mục tiêu: Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý điện năng cho hộ khai thác than hầm lò, đáp ứng được nhu cầu quản lý điện năng từ cấp phân xưởng tới cấp ban lãnh đạo của một mỏ than khai thác than hầm lò. Nội dung của đề tài gồm:

1, Nghiên cứu phân tích đánh giá các giải pháp quản lý điện năng và đề xuất lựa chọn giải pháp quản lý điện năng cho mỏ than hầm lò.

2. Nghiên cứu đề xuất lựa chọn thiết bị phục vụ cho hệ thống quản lý điện năng phù hợp với môi trường có khí bụi nổ.

3. Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý điện năng cho một mỏ phù hợp với đặc thù riêng của hộ khai thác than hầm lò vùng Quảng Ninh.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được những mục tiêu cơ bản, gồm: đánh giá khả năng áp dụng hệ thống quản lý điện năng trong các mỏ than hầm lò; Nghiên cứu phân tích đánh giá các giải pháp quản lý điện năng trên thế giới; nghiên cứu lựa chọn thiết bị của hệ thống quản lý điện năng đáp ứng yêu cầu an toàn nổ phù hợp với điều kiện mỏ than hầm lò; nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý điện năng cho một mỏ phù hợp với đặc thù riêng của hộ khai thác than hầm lò vùng Quảng Ninh. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn Công ty cổ phần than Hà Lầm – Vinacomin để thiết kế áp dụng thử nghiệm và theo dõi đánh giá hoàn thiện hệ thống.

Hội đồng KHCN cấp cơ sở đã nhận xét, đóng góp ý kiến để nhóm thực hiện đề tài chỉnh sửa hoàn chỉnh báo cáo tổng kết để báo cáo tại Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ Công Thương.

 

Các mục khác