Xem xét xuất khẩu than ở mức phù hợp

Một trong những giải pháp đang được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nỗ lực thực hiện, nhằm ổn định sản xuất, lo đủ việc làm và tồn kho hợp lý là bám sát tình hình thị trường, có kế hoạch điều hành sản xuất và tiêu thụ than phù hợp.

      Một trong những giải pháp đang được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nỗ lực thực hiện, nhằm ổn định sản xuất, lo đủ việc làm và tồn kho hợp lý là bám sát tình hình thị trường, có kế hoạch điều hành sản xuất và tiêu thụ than phù hợp

Theo kế hoạch, năm 2013, Vinacomin sẽ sản xuất và tiêu thụ 43 triệu tấn than. Tuy nhiên, cho đến hết tháng 4, tình hình tiêu thụ than vẫn rất khó khăn, nhất là thị trường xuất khẩu. Theo Phó Tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên, giá than cho điện đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng 27% so với giá thành sản xuất than năm 2011 kể từ ngày 20/4. Hiện giá than cho điện sau điều chỉnh đã đạt xấp xỉ 85-87% giá thành sản xuất than của năm 2013. Được biết, trong quý I, riêng than cho điện đã chiếm tới 50% sản lượng than tiêu thụ trong nước.Trước những khó khăn trong vấn đề xuất khẩu than, kéo dài từ năm 2012 đến nay, Vinacomin kiến nghị cho áp dụng cơ chế thuế xuất khẩu than theo giá than trên thị trường thế giới bình quân hàng quý. Như vậy, sẽ giúp Vinacomin chủ động trong điều hành sản xuất, tiêu thụ than cũng như đảm bảo thuận lợi, minh bạch trong tính toán thuế. Cụ thể, mức thuế xuất khẩu than được Vinacomin đề xuất trong giai đoạn hiện nay là: 10% khi giá than bình quân (tính theo loại cám AHG) dưới 75 USD/ tấn, mức 15% khi giá từ 75-85 USD/ tấn và mức 20% khi giá trên 85 USD/tấn.

Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên, mức thuế xuất khẩu 10% đang áp dụng với Vinacomin hiện thuộc mức thuế suất cao nhất thế giới. Chỉ cần tăng thuế xuất khẩu than thêm 1% so với mức 10% hiện nay, Vinacomin có thể phải dừng xuất khẩu và người lao động sẽ lại rơi vào tình trạng thiếu việc làm như năm 2012. Sau khi trừ thuế và các chi phí, giá than xuất khẩu hiện cũng chỉ đủ bù đắp giá thành .

Được biết, trong quý I, do giá than thế giới xuống thấp, ngành than buộc phải tăng sản lượng ở nơi sản xuất có giá thành thấp, giảm sản lượng khai thác ở nơi có giá thành cao để đảm bảo sản lượng khai thác hợp lý và hạ giá thành sản xuất để có thể tiêu thụ than. Tuy nhiênđây chỉ là giải pháp tình thế vì các mỏ có giá thành thấp không thể huy động sản lượng ở mức cao cả năm vì tài nguyên có hạn. Đối với đơn vị có giá thành sản xuất cao, Vinacomin cũng không thể lùi mãi về sản lượng vì ảnh hưởng đến đời sống công nhân cũng như không thể dừng lò được vì chi phí khởi động lại lò sẽ rất tốn kém.

Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch quý II, bên cạnh việc tiếp tục quyết liệt tiết giảm chi phí, bám sát thị trường, điều hành phù hợp theo từng tháng, Vinacomin đang cùng các đơn vị chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012-2015”./.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử

Các mục khác