Công đoàn Viện Khoa học Công nghệ Mỏ: Tập huấn công tác công đoàn năm 2014

Ngày 15 và 16/8/2014, Công đoàn Viện Khoa học Công nghệ Mỏ-Vinacomin đã tổ chức Tập huấn công tác công đoàn năm 2014 và kết hợp sinh hoạt dã ngoại, giao lưu tại Hạ Long.

 

Ngày 15 và 16/8/2014, Công đoàn Viện Khoa học Công nghệ Mỏ-Vinacomin đã tổ chức Tập huấn công tác công đoàn năm 2014 và kết hợp sinh hoạt dã ngoại, giao lưu tại Hạ Long.

Tham dự đợt tập huấn và sinh hoạt dã ngoại lần này gồm đại diện BCH Đảng uỷ Viện, toàn thể BCH Công đoàn Viện, BCH Công đoàn cơ sở các đơn vị thành viên, tổ trưởng Công đoàn các đơn vị thuộc Viện, BCH Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và một số đoàn viên ưu tú.
TS. Trương Đức Dư, Ủy viên BCH Đảng uỷ, Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn chủ trì.
Theo chương trình, ngày 15/8, đoàn có chuyến sinh hoạt dã ngoại, tham quan vịnh Hạ Long, tối cùng ngày giao lưu văn nghệ tại khách sạn Grand Hạ Long, Bãi Cháy, Quảng Ninh và ngày 16/8, cũng tại khách sạn này, các cán bộ công đoàn sẽ tham dự lớp tập huấn công tác công đoàn năm 2014.

Ngày 15/8, một ngày nắng đẹp, trên du thuyền “Hồng Long” đoàn đã tham quan vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long (vịnh nơi rồng đáp xuống) là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, Thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 335 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái, 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.
Những kết quả nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và văn hóa học cho thấy sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau, bao gồm văn hóa Soi Nhụ, trong khoảng 18.000-7.000 năm trước Công Nguyên, văn hóa Cái Bèo trong khoảng 7.000-5.000 năm trước Công Nguyên và văn hóa Hạ Long, cách ngày nay khoảng từ 3.500-5.000 năm. Tiến trình dựng nước và truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong suốt hành trình lịch sử, cũng khẳng định vị trí tiền tiêu và vị thế văn hóa của vịnh Hạ Long qua những địa danh mà tên gọi gắn với điển tích còn lưu truyền đến nay, như núi Bài Thơ, hang Đầu Gỗ, Bãi Cháy, v.v. Hiện nay, vịnh Hạ Long là một khu vực phát triển năng động nhờ những điều kiện và lợi thế sẵn có như có một tiềm năng lớn về du lịch, nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy đối với khu vực vùng biển Đông Bắc Việt Nam nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung.

Từ hơn 500 năm về trước trong bài thơ Lộ nhập Vân Đồn, Nguyễn Trãi đã lần đầu tiên ca ngợi vịnh Hạ Long là “kỳ quan đá dựng giữa trời cao”. Năm 1962, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia, đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994 vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn vii), và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo (tiêu chuẩn viii) vào năm 2000. Cùng với vịnh Nha Trang và vịnh Lăng Cô của Việt Nam, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7 năm 2003.
Là những cán bộ kỹ thuật mỏ, thường đi công tác qua lại vịnh Hạ Long, nhiều người đã nhiều lần tham quan vịnh, tuy nhiên, trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình, những dãy núi chập chùng trên nền trời, nước bao la, với động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Trống Mái, … những cái tên đã đi vào tiềm thức của nhiều người, mọi người đều náo nức như mới được thăm vịnh Hạ Long lần đầu.

Còn nguyên cảm xúc lâng lâng sau chuyến tham quan vịnh Hạ Long, mọi người lại tiếp tục đến với buổi giao lưu văn nghệ, vui mừng chào đón TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Uỷ viên BCH Công đoàn TKV, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Công đoàn TKV và Ông Trần Xuân Kỳ, giảng viên Đại học Lao động Xã hội, cùng nhiều vị khách quý trong và ngoài Viện.

Sau lời khai mạc của TS. Trương Đức Dư, mở đầu cho chương trình giao lưu, BCH Công đoàn Viện đã tặng hoa chúc mừng TS. Nguyễn Anh Tuấn ở cương vị mới, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, đồng thời tri ân nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, người đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động của Công đoàn Viện, người luôn quan tâm, chăm lo đời sống, quyền lợi của CBVC.

Tiếp đó là lễ chia tay chị Vũ Thị Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện, chị Vũ Thị Tuyết và chị Nguyễn Thị Thiên Nga, là những cán bộ, đoàn viên công đoàn chuẩn bị nghỉ chế độ, đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của Công đoàn Viện.

Tiếp tục chương trình, cùng với các MC, buổi giao lưu đã diễn ra sôi nổi. Đan xen giữa các tiết mục văn nghệ là những trò chơi vui nhộn, thu hút nhiều người tham gia.

Như trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, TS. Trương Đức Dư đã nhấn mạnh, khác với các đơn vị sản xuất, đặc thù của hoạt động Công đoàn của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, đó là các cán bộ công đoàn đều là cán bộ kiêm nhiệm, do đó, thông qua các lớp tập huấn sẽ góp phần củng cố, bổ sung kiến thức, nắm bắt kịp thời các quy định, … giúp cho mỗi cán bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhận thức được điều đó, sau một buổi sáng, cùng với giảng viên, ông Trần Xuân Kỳ đến từ trường Đại học Lao động-Xã hội, các học viên đã hoàn thành các nội dung của chương trình tập huấn, bao gồm: Kỹ năng tuyên truyền; Bộ Luật Lao động năm 2012 và những thay đổi trong bộ Luật Lao động năm 2012.

Chuyến tập huấn nghiệp vụ công đoàn kết hợp với những hoạt động sinh hoạt dã ngoại, giao lưu văn nghệ lần này, không những bổ sung kịp thời kiến thức về hoạt động công đoàn cho mỗi cán bộ, đoàn viên, mà còn là dịp giúp cho các cán bộ của Viện học hỏi, gắn kết, củng cố tình đoàn kết nội bộ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống./.

Các mục khác