Khí hóa than đồng bằng sông Hồng: Thận trọng, chắc chắn

Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa hình dung hết trữ lượng than lên đến chục tỷ tấn đang nằm cách mặt đất hàng ngàn mét dưới khu vực đồng bằng Sông Hồng. Làm thế nào để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này? Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, TKV đã và đang triển khai các bước thử nghiệm với những bước đi thận trọng, chắc chắn để tương lai có thể khai thác bằng giải pháp khí hóa than.

 Ban quản lý Dự án than đồng bằng sông Hồng được TKV giao nhiệm vụ thăm dò và triển khai các giải pháp thử nghiệm. Hiện nay, Ban quản lý đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thăm dò và khai thác thử nghiệm bằng công nghệ khí hoá than ngầm tại đồng bằng sông Hồng.

Theo báo cáo từ Ban quản lý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng tại tỉnh Thái Bình, đến nay, lãnh đạo Tập đoàn đã ký thoả thuận đầu tư với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về đầu tư dự án thăm dò than và thử nghiệm khí hoá than ngầm tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018. Theo đó, cuối năm 2014, Sở Tài nguyên Môi trường Thái Bình đã thống nhất với các sở ban ngành trong tỉnh và các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, huyện Tiền Hải về vị trí thực hiện dự án. Tập đoàn đã chỉ đạo Ban quản lý tổ chức khảo sát hiện trường và lập xong đề án thăm dò than vùng Nam Thịnh, huyện Tiền Hải để trình Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép thăm dò.

Song song với đó, để tiến độ công tác thử nghiệm được hiện thực hoá sớm nhất, Ban quản lý dự án đồng bằng sông Hồng cũng đã được Tập đoàn giao đánh giá khả năng áp dụng công nghệ khí hoá than ngầm trước mắt tại mỏ than Khánh Hoà, Thái Nguyên, thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc. Hiện Ban quản lý đã tập trung nghiên cứu tài liệu địa chất, phối hợp với các đối tác bên ngoài để tìm ra những chỉ tiêu áp dụng công nghệ khí hoá than ngầm phù hợp.

Để từng bước triển khai được đảm bảo chắc chắn và hiệu quả, trong năm qua, Ban quản lý đã chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ, trình độ cho các cán bộ, kỹ sư trong Ban. Đơn vị đã tạo điều kiện cả về thời gian và tài chính để cử CBCNV tham gia các lớp đào tạo do Tập đoàn tổ chức nhằm đáp ứng được yêu cầu về trình độ của cán bộ trong quá trình triển khai dự án.

Cũng theo Ban quản lý Dự án, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực của đơn vị còn hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn. Nhân viên của đơn vị đa phần còn trẻ trong khi thông tin về công nghệ khí hóa than ngầm (UCG), công nghệ mới còn bị giới hạn khi các dự án than của Tập đoàn TKV tại ĐBSH chưa được triển khai. Các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ UCG về điều kiện địa chất mỏ tại bể than ĐBSH chưa có các số liệu chi tiết để chứng minh do chưa có kết quả thăm dò. Do vậy, đơn vị đang tích cực chuẩn bị các dạng tài liệu địa chất bể than hiện có để thu thập, tổng hợp nhằm định hướng cho công tác lựa chọn địa điểm, xác định diện tích lập đề án xin cấp phép thăm dò. Tài liệu về công nghệ UCG đang được đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp phục vụ công tác thăm dò, thử nghiệm công nghệ khí hóa than ngầm. Đơn vị xác định các công việc trên là rất cần thiết giúp công tác quản lý các dự án khai thác than tại ĐBSH có hiệu quả từng bước phát triển và làm chủ công nghệ. Do đó, sự chỉ đạo sâu sát của Tập đoàn trong các bước triển khai từ nghiên cứu tới hình thành dự án tại ĐBSH là yếu tố vô cùng quan trọng.

Các mục khác