Ngành than: Từ sức mạnh vượt khó

Ngày 25/4/1955, sau hơn 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, Khu Mỏ đã hoàn toàn được giải phóng. Niềm vui đến với những người thợ mỏ như vỡ òa, tiếp thêm sức mạnh để mỗi bước chân người thợ “lên tầng cao hay xuống lò sâu” đều mang theo ý chí, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” xây dựng ngành Than và vùng Mỏ ngày càng phát triển sau 60 năm giải phóng

Gương sáng vượt khó

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến thị xã Cẩm Phả, cái nôi của giai cấp công nhân vùng Mỏ để tìm hiểu về những ngày tháng “sôi sục” cách đây 60 năm. Ông Hoàng Bách – một người đã sống nhiều năm ở đất Mỏ Cẩm Phả, từng một thời làm nhau (đưa cơm lên tầng than cho chủ mỏ) kể cho chúng tôi nghe về nỗi cơ cực của thợ mỏ bấy giờ. Từ khi thực dân Pháp biến vùng đất Đông Bắc thành Khu mỏ khai thác than, hàng vạn thợ mỏ sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Cảnh làm việc tại các mỏ than lúc bấy giờ vô cùng cơ cực. Cái nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” đã “vắt kiệt” sức lực của những người thợ phải làm việc quần quật từ sáng sớm tới “tối mịt”, chịu đựng khổ sai, đói khát, cúp phạt, đòn roi.
Ông Bách chia sẻ: Có lẽ vì cơ cực như thế nên đến ngày 22/4/1955, khi bộ đội ta tiếp quản thị xã Cẩm Phả, thợ mỏ và nhân dân náo nhiệt chào đón, nhất là thợ mỏ thì niềm vui khôn tả.
Đúng 12giờ ngày 24 tháng 4 năm 1955, tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng đã bước xuống khoang của chiếc tàu há mồm rời bến Bãi Cháy. Ngày 25/4, tại thị xã Hòn Gai, quân dân Hồng Quảng mít tinh trọng thể mừng giải phóng.
Ngay sau niềm vui giải phóng, các mỏ than bấy giờ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhiệm vụ nặng nề nhất là khôi phục hầm mỏ, xưởng máy mà khi rời đi thực dân Pháp đã phá hoại cũng như di chuyển máy móc đi theo.
Ông Nguyễn Ngọc Đàm – Nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh (nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Hồng Quảng) khi nhắc tới những khó khăn của ngày đầu mới tiếp quản đã nhấn mạnh: Người Pháp rút khỏi Khu mỏ đã tuyên bố ít ra phải 20 đến 25 năm nữa người Việt Nam mới đào được than. Nhưng thực tế chỉ 2 ngày sau đó, anh chị em công nhân mỏ đã khôi phục được sản xuất ở các nhà máy, tầng lò, bến cảng… Trong khó khăn, nhiều việc làm của thợ mỏ lúc bấy giờ đã được coi là gương sáng trong cả nước về tinh thần vượt khó.
Hệ thống đường trục bị Pháp tháo hết, trong khi than sản xuất trên núi cao so với mặt biển từ 500 đến 600 m. Lúc bấy giờ, “kỳ tích” lớn nhất của chúng ta là sau khi tiếp quản đã nhanh chóng khôi phục hệ thống đường trục, sản xuất than vượt cả thời Pháp, phục vụ cho các ngành công nghiệp nước nhà.

Các mục khác