Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Bộ Công Thương

Ngày 31/7/2015, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ-Vinacomin tổ chức Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở đề tài: “Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng sắt nghèo không từ tính (sắt nâu) vùng Văn Bàn Lào Cai bằng phương pháp nung từ hóa nhằm tận thu tài nguyên”

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp cơ sở được thành lập theo Quyết định của Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, gồm 7 thành viên, do TS. Trần Tú Ba, Viện trưởng làm Chủ tịch.

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu công nghệ tuyển hợp lý đối với quặng sắt nâu nghèo vùng Văn Bàn bằng phương pháp nung từ hóa, huy động tối đa nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển công nghiệp.

Các nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm: 1) Tổng quan về công nghệ tuyển quặng sắt trên thế giới và Việt Nam; 2) Phân tích thành phần vật chất quặng sắt nâu nghèo mỏ Làng Vinh, Làng Cọ; 3) Nghiên cứu, thí nghiệm lựa chọn công nghệ tuyển, nung từ hóa; 4) Đề xuất giải pháp công nghệ tuyển hợp lý đối với quặng sắt nâu nghèo vùng Văn Bàn – Lào Cai.

Các kết quả chính của đề tài bao gồm:

– Công nghệ tuyển quặng sắt nâu giàu (hàm lượng >46%) sử dụng phương pháp tuyển rửa để thu được quặng tinh có hàm lượng sắt >50%. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi thấp và hàm lượng sắt trong quặng thải còn cao.

– Qua kết quả phân tích thành phần vật chất quặng sắt nâu nghèo cho thấy: Thành phần khoáng vật chứa quặng chủ yếu là limônit, gơtit; hàm lượng Fe trong quặng từ 35-40%. Cấp hạt +5mm chiếm tỷ lệ khoảng 25% và có hàm lượng Fe lớn hơn 50%; cấp hạt -0,045mm chiếm tỷ lệ khoảng 50%.

– Công nghệ tuyển quặng sắt nâu vùng Văn Bàn đó là: Tuyển rửa kết hợp với nung từ hóa – tuyển từ thấp để thu hồi quặng tinh có hàm lượng Fe lớn hơn 50% và tỷ lệ thu hồi >84%.

Kết quả của đề tài là cơ sở để các công ty khai thác quặng sắt nâu vùng Văn Bàn- Lào Cai triển khai các dự án đầu tư, nhằm khai thác tối đa nguồn nguyên liệu sắt nâu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến quặng sắt ở nước ta trong những năm sắp tới.

Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở nhất trí nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng, đề tài cần hoàn thiện Báo cáo tổng kết trước khi trình Bộ Công Thương nghiệm thu./.

Các mục khác