Bộ Công Thương nghiệm thu đề tài KHCN do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin chủ trì thực hiện

Ngày 10/9/2015, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu áp dụng công nghệ chèn lò khai thác than trong các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản, thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.

Hội đồng KHCN được thành lập theo Quyết định số 83/ QĐ- BCT ngày 7/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, gồm 9 thành viên, PGS.TS. Trần Xuân Hà, Chủ tịch hội đồng.

Theo báo cáo tổng kết, đề tài đã thực hiện các nội dung nghiên cứu:

1) Đánh giá tổng hợp trữ lượng và đặc điểm điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ các khu vực cần chèn lò vùng Quảng Ninh. Với tổng trữ lượng than cần chèn lò khoảng 132 triệu tấn, tập trung ở Hà Lầm, 56,8 triệu tấn, Núi Béo, 28,5 triệu tấn, Mạo Khê 27,6 triệu tấn, Khe Chàm, Vàng Danh và Mông Dương. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các vỉa dày, trữ lượng khoảng 102 triệu tấn (chiếm 77,2%), vỉa dày trung bình, 17,4 triệu tấn (13,2%) và vỉa mỏng, 12,7 triệu tấn (9,6%). Vỉa góc dốc thoải, khoảng 25,7 triệu tấn (19,5%), vỉa nghiêng 54,3 triệu tấn (41,1%), vỉa dốc nghiêng 30,7 triệu tấn (23,2%) và vỉa dốc đứng là 21,3 triệu tấn (16,1%);

2) Tổng hợp kinh nghiệm áp dụng chèn lò trên thế giới. Theo đó, các phương pháp chèn lò thường được áp dụng, bao gồm: Chèn lò tự cháy, chèn lò cơ khí, chèn lò thủy lực, chèn lò khí nén và chèn lò hỗn hợp;

3) Đề xuất một số sơ đồ công nghệ khai thác điều khiển đá vách bằng phương pháp chèn lò cùng các giải pháp kỹ thuật công nghệ chèn lò phù hợp với đặc điểm địa chất – kỹ thuật mỏ của các khu vực cần chèn cũng như phù hợp với tính chất của các công trình bề mặt cần bảo vệ thuộc vùng Quảng Ninh;

4) Để áp dụng các đề xuất vào thực tế, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã phối hợp với Công ty than Mạo Khê – TKV lựa chọn áp dụng thử nghiệm công nghệ tại vỉa 9B, mức – 80/LV khu vực Cánh Nam. Đồng thời thiết kế áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác điều khiển đá vách bằng chèn lò cho điều kiện khu vực này. Khu vực áp dụng thử nghiệm có đặc điểm vỉa than dày, dốc (dày trung bình 6,9m, góc dốc trung bình 650) được chuẩn bị và khai thác theo sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo độ dốc, chia lớp ngang nghiêng, khai thác và chèn lò theo trình tự từ dưới lên, sử dụng phương pháp chèn lò thủy lực. Vật liệu chèn sử dụng là tro đáy nhà máy nhiệt điện Mạo Khê hòa trộn với nước theo tỷ lệ vật liệu chèn: nước là 1:4.

 

Tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan, nên việc áp dụng thử nghiệm công nghệ chưa được triển khai. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được của đề tài do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện, Hội đồng khoa học Công nghệ cấp Nhà nước đã nghiệm thu các kết quả nghiên cứu của đề tài./.

Các mục khác