Bộ Công thương kiểm tra định kỳ tiến độ các đề tài do Viện KHCN Mỏ chủ trì thực hiện

Trong 2 ngày 22 và 23/9/2015, Bộ Công thương đã kiểm tra định kỳ tiến độ thực hiện đề tài, dự án khoa học công nghệ, do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin chủ trì thức hiện thuộc đề án: “Đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Đợt này, thực hiện kiểm tra 6 đề tài bao gồm:

1. “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác và tuyển khoáng hợp lý quặng thiếc sa khoáng đáp ứng yêu cầu kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng Quỳ Hợp – Nghệ An”.

– Thời gian thực hiện từ 1/2013 – 9/2015.

– Chủ nhiệm đề tài: ThS. Hoàng Minh Hùng.

Mục tiêu: Đề xuất công nghệ khai thác, hoàn thổ và tuyển khoáng hợp lý đảm bảo hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sinh thái toàn vung thiếc sa khoáng vùng Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Nội dung nghiên cứu: – Tổng hợp, cập nhập hiện trạng tài nguyên, công tác khai thác, tuyển khoáng, phân loại các mỏ quặng thiếc sa khoáng vùng Quỳ Hợp.

– Nghiên cứu, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới công tác khai thác, tuyển khoáng và khả năng áp dụng cơ giới hoá công tác khai thác, tuyển khoáng quặng thiếc sa khoáng vùng Quỳ Hợp.

Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý đối với từng loại mỏ quặng thiếc sa khoáng vùng Quỳ Hợp.

– Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tuyển khoáng hợp lý nhằm tận thu tài nguyên đối với quặng thiếc sa khoáng Quỳ Hợp.

– Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thổ phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực.

– Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội khi tiến hành khai thác toàn vùng thiếc sa khoáng Quỳ Hợp.

– Đề xuất áp dụng thử nghiệm cho một mỏ thiếc sa khoáng cụ thể vùng Quỳ Hợp.

2. “Nghiên cứu đánh giá tính tự cháy của than và đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ phòng ngừa tự cháy ở các mỏ than hầm lò Việt Nam”.

– Thời gian thực hiện từ 1/2013 – 9/2015.

– Chủ nhiệm đề tài: TS. Phùng Quốc Huy.

Mục đích: Xây đựng được bộ cơ sở dữ liệu về tính tự cháy và các giải pháp kỹ thuật công nghệ phòng ngừa tự cháy nhằm nâng cao hiệu quả và mức độ an toàn trong khai thác các mỏ than hầm lò có tính tự cháy ở Việt Nam.

Nội dung nghiên cứu: – Tổng quan và nghiên cứu lựa chọn phương pháp đánh giá, xác định tính tự cháy của than ở các mỏ hầm lò.

– Nghiên cứu đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về tính tự cháy của than trong các mỏ hầm lò Việt Nam.

– Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ dự báo, phòng ngừa và kiểm soát tự cháy ở các mỏ than hầm lò Việt Nam.

– Thiết kế áp dụng thử nghiệm giải pháp tại một mỏ cụ thể được lựa chọn.

3. “Áp dụng công nghệ cơ giới hoá khai thác các vỉa than có độ dày đến 2,0m, dốc thoải đến nghiêng vùng Quảng Ninh”.

– Thời gian thực hiện từ 1/2013-12/2015

– Chủ nhiệm đề tài: TS. Trương Đức Dư.

Mục đích: Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hoá khai thác vỉa than có độ dày đến 2,0m, dốc thoải đến nghiêng để tăng năng suất lao động, mức độ an toàn, tận thu tối đa tài nguyên và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Nội dung nghiên cứu: – Lựa chọn và khảo sát đánh giá điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ khu vực áp dụng thử nghiệm.

– Thiết kế sơ đồ công nghệ cơ giới hoá khai thác phù hợp dây chuyền thiết bị được chọn và điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ khu vực áp dụng.

– Thiết kế, xây dựng quy trình công nghệ, lập các giải pháp kỹ thuật và biện pháp an toàn lao động trong quá trình áp dụng công nghệ cơ giới hoá.

– Áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hoá; theo dõi, đánh giá và hoàn thiện công nghệ.

4. “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ đào chống lò chuẩn bị theo hướng cơ giới hoá áp dụng cho các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”.

– Thời gian thực hiện từ 1/2014 – 12/2015.

– Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phạm Chân Chính.

Mục tiêu: – Hoàn thiện các sơ đồ công nghệ và các giải pháp kỹ thuật đào chống lò theo hướng đẩy mạnh cơ giới hoá nhằm nâng cao tốc độ đào lò, tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững ngành than.

Nội dung nghiên cứu: – Đánh giá hoàn thiện công nghệ cơ giới hoá đào chống lò chuẩn bị tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.

– Đánh giá điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn và quy hoạch phát triển mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh, giai đoạn đến năm 2020.

– Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ cơ giới hoá đào lò đá sử dụng đồng bộ thiết bị khoan kết hợp bốc xúc, vận tải tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.

– Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ cơ giới hoá đào lò đá sử dụng đồng bộ thiết bị khoan kết hợp bốc xúc, vận tải tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.

– Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ cơ giới hoá đào lò than bằng máy combai tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.

– Nghiên cứu đề xuất thử nghiệm sơ đồ công nghệ cơ giới hoá đào lò đá sử dụng đồng bộ thiết bị máy combai.

– Thiết kế áp dụng thử nghiệm một trong các giải pháp đề xuất tại mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.

5. “Nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác bằng giàn chống đối với các vỉa dày trung bình, độ dốc 35-55 độ ở các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”.

– Thời gian thực hiện từ 1/2014 – 12/2015.

– Chủ nhiệm đề tài: ThS. Trần Tuấn Ngạn.

Mục tiêu: Lựa chọn công nghệ khai thác bằng giàn chống hợp lý đối với các vỉa dày trung bình, độ dốc 35-55 độ nhằm nâng cao mức độ an toàn và cải thiện điều kiện cho người lao động.

Nội dung nghiên cứu: – Nghiên cứu, đánh giá điều kiện và khả năng phát triển áp dụng công nghệ khai thác bằng giàn chống đối với vỉa dày trung bình, độ dốc 35-55 độ ở các mỏ than hầm lò.

– Nghiên cứu công nghệ khai thác bằng giàn chống hợp lý đối với các vỉa dày trung bình, độ dốc 35 – 55 độ.

– Áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác đã lựa chọn ở một mỏ than hầm lò.

– Xây dựng hướng dẫn áp dụng công nghệ.

6. “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo giàn chống tự hành áp dụng trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải và nghiêng tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”.

– Thời gian thực hiện từ 1/2014 -12/2015.

– Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Huy Hoàng.

Mục tiêu: Thiết kế, chế tạo giàn chống tự hành áp dụng khai thác các vỉa dày 1,8-2,4m, độ dốc đến 30 độ, khấu than bằng khoan nổ mìn, trong điều kiện áp lực mỏ lớn nhằm nâng cao mức độ an toàn lao động.

Nội dung nghiên cứu: – Lựa chọn kết cấu giàn chống tự hành phù hợp với điều kiện khai thác vỉa than dày 1,8-2,4m, độ dốc đến 30 độ vùng Quảng Ninh.

– Nghiên cứu tính toán, thiết kế giàn chống.

– Nghiên cứu xây dựng quy trình, tổ chức chế tạo dàn chống.

– Thử nghiệm và đánh giá khả năng phát triển áp dụng.

Tại các buổi làm việc, chủ nhiệm các đề tài đã lần lượt báo cáo kết quả thực hiện, trong đó đã nêu lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế thực hiện các đề tài.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, nhìn chung, các đề tài đều đảm bảo tiến độ thực hiện như đã đăng ký, các nội dung thực hiện bám sát với đề cương, tuy nhiên vẫn còn một số đề tài còn khó khăn trong việc giải ngân kinh phí và triển khai áp dụng thử nghiệm các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Kết thúc buổi làm việc, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương yêu cầu Viện tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm của các đề tài, dự án; đẩy mạnh tiến độ để đáp ứng yêu cầu. Đối với các đề tài gặp khó khăn vướng mắc do khách quan cần khẩn trương báo cáo để có biện pháp giải quyết kịp thời./

 

Các mục khác