Tập đoàn TKV: Hội nghị về công tác vận tải trong mỏ hầm lò

Ngày 10/12/2015, tại Quảng Ninh, Tập đoàn TKV đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác vận tải trong các mỏ hầm lò.

Dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải, tham dự Hội nghị có một số Thành viên HĐTV, ông Phạm Văn Mật, ông Vũ Thành Lâm, Lãnh đạo điều hành Tập đoàn, phó Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn, cùng Lãnh đạo các Ban của Tập đoàn, CV, KCM, ĐT, KCL, AT, … Giám đốc các đơn vị khai thác than hầm lò, xây dựng mỏ, cơ khí, các đơn vị tư vấn.

Đoàn Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tham dự Hội nghị có ông Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, ông Nguyễn Đình Thống, Trưởng phòng Máy và Thiết bị mỏ.


Theo Báo cáo, do Trưởng Ban CV, Đinh Hữu Quyết trình bày trong cuộc họp, trong đó ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua:

1) Đối với công tác vận tải người trong hầm lò:

Tính đến thời điểm hiện nay, các đơn vị sản xuất than hầm lò đã đầu tư, lắp đặt và đưa vào sử dụng 134 hệ thống vận tải các loại, tăng so với thời điểm tháng 3/2015 là 17 hệ thống, bằng 114,5%. Cụ thể có 3 hệ thống trục tải thùng cũi ở giếng đứng; 16 hệ thống trục tải một đầu mút kết hợp toa xe chở người ở giếng nghiêng; 3 hệ thống tời cáp vô tận; 11 hệ thống monoray có đầu kéo chạy diezel và điện; 7 hệ thống cáp treo vô tận chở người, 54 hệ thống tời hỗ trợ người đi bộ và 39 hệ thống song loan, kéo bằng tầu điện ắc quy.

Đến nay, các đơn vị như Mông Dương, Hà Lầm, Vàng Danh, Mạo Khê đã đảm bảo không để công nhân đi bộ đến vị trí sản xuất quá 1000m. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn 7 đơn vị chưa thực hiện được điều này, đặc biệt qua các thượng thông gió, vận tải, chưa có thiết bị vận tải người, bao gồm Dương Huy, Thống Nhất, Nam Mẫu, Uông Bí, Hạ Long.

2) Đối với công tác vận tải than, vật tư, thiết bị:

– Vận tải than: Hiện nay, đa số các đơn vị sản xuất than hầm lò sử dụng hệ thống vận tải liên tục bằng máng cào, băng tải. Một số đơn vị vận tải than bằng đầu tầu, xe goòng.

– Vận tải đất đá: Trong đào lò, hầu hết các đơn vị đang sử dụng máy xúc lên goòng sau đó được tàu điện ắc quy kéo ra chân giếng, sử dụng tời trục kéo lên mặt bằng. Tại một số đơn vị, như Khe Chàm, Nam Mẫu, Hà Lầm đã áp dụng hệ thống vận tải liên tục để vận chuyển đất đá.

– Vận chuyển vật tư, thiết bị: Hầu hết các đơn vị đều dùng hệ thống tời trục, kết hợp với goòng, tích chuyên dùng, tàu điện ắc quy, tời kéo thuyền trượt trên nền lò, monoray thuyền trượt, kết hợp tời điện, hệ thống cáp treo. Tại Nam Mẫu, Hà Lầm và Quang Hanh dùng monoray với đầu tàu diezel, tời điện. Thời điểm hiện tại, một số đơn vị, như Khe Chàm, Mông Dương, Hà Lầm, Mạo Khê, không để công nhân vác bộ vật tư quá 30m.

Từ những đánh giá thực tế, Báo cáo kết luận:

1) Đối với các đơn vị khai thác than hầm lò, về cơ bản, đã triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Giám đốc TKV tại Thông báo kết luận số 48/TB-TKV về việc đầu tư lắp đặt thiết bị vận tải người, vật tư, thiết bị trong hầm lò. Tuy nhiên, còn một số tồn tại:

– Việc đầu tư trang thiết bị vận tải trong các dự án mở mỏ mới, mở rộng, duy trì công suất chưa kịp thời theo tiến độ đào lò. Vì vậy, vẫn còn tình trạng công nhân phải đi bộ, như ở Khe Chàm, Thống Nhất;

– Trong kế hoạch đào lò hàng năm của các đơn vị không kèm theo phương án vận tải người, vật tư, thiết bị để thiết kế đào lò có tiết diện phù hợp;

– Công tác chống xén đường lò và duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường goòng chưa kịp thời, do vậy, chưa phát huy tối đa năng lực của hệ thống vận tải. Thực tế, hệ thống vận tải trên ray, nhiều đơn vị quy định tốc độ chỉ bằng 1/5 vận tốc cho phép.

2) Đối với các đơn vị tư vấn, cơ khí trong ngành:

– Các đơn vị tư vấn đã tìm hiểu một số hệ thống vận tải tiên tiến của nước ngoài để đưa vào thiết kế mỏ. Tuy nhiên, số lượng còn ít và chỉ phù hợp với những mỏ có lò chợ cơ giới hóa. Trong một số thiết kế chưa đề cập đến việc vận tải hỗn hợp trên cùng một đường lò và chưa đề cập việc vận chuyển người, vật tư, thiết bị tại các lò thượng, lò dọc vỉa trung gian.

– Các đơn vị cơ khí đã chế tạo một số thiết bị vận tải hầm lò. Tuy nhiên, loại hình còn hạn chế, chưa chủ động tìm hiểu thực tế để thiết kế, chế tạo thiết bị phù hợp. Một số đơn vị liên kết với nước ngoài để lắp ráp và bảo trì các hệ thống vận tải, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể về công tác nội địa hóa.

Tiếp theo đó là các ý kiến tham luận của các thành viên tham dự, trong đó nêu lên những khó khăn trong việc triển khai áp dụng cơ giới hóa toàn bộ các loại hình vận tải, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm trong thời gian tới, không để công nhân đi bộ quá 1000m, vác bộ vật tư quá 30m.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải chỉ đạo các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các Công ty tư vấn, các Ban của Tập đoàn, tăng cường hơn nữa việc áp dụng hiện đại hóa công tác vận tải trong lò, coi đây là nhiệm vụ không tách rời với mục tiêu hiện đại hóa khai thác nhằm nâng cao sản lượng, tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đồng thời nhấn mạnh: “Về cơ bản công tác vận tải trong lò của ta đã có tiến bộ vượt bậc nhưng cần phải tăng cường áp dụng hơn nữa. Đây là dự án mang tính nhân văn sâu sắc nên các dự án đang triển khai phải đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các mốc hoàn thành cụ thể. Các đơn vị chuẩn bị áp dụng cần nghiên cứu kỹ để áp dụng công nghệ vận tải phù hợp với từng đơn vị, phấn đấu tiến tới 100% các đơn vị vận tải than liên tục trong lò, không để người lao động đi bộ đến nơi làm việc trên 1000m hay mang vác vật tư, thiết bị trên 30m”./.

Các mục khác