Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin: Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp cơ sở

Ngày 4.4.2016, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển nổi quặng sunfua chì – kẽm nghèo vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn nhằm tận thu tài nguyên” và “Nghiên cứu lựa chọn chất trợ lắng hợp lý cho bùn quặng thải các nhà máy tuyển quặng bauxite Tây Nguyên”.

Hội đồng khoa học công nghệ cấp cơ sở được thành lập theo Quyết định của Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, ngày 21/12/2015, gồm 7 thành viên, TS. Trần Tú Ba, làm Chủ tịch.

1) Đối với đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển nổi quặng sunfua chì – kẽm nghèo vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn nhằm tận thu tài nguyên”.

Cơ quan quản lý đề tài: Bộ Công Thương

Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Huy Hùng

Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng tài nguyên cho thấy, quặng sunfua chì kẽm nghèo vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn có tính tương đồng về mặt thành tạo địa chất. Tổng lượng Pb, Zn trong quặng đầu khoảng 3-7%, trong đó các khoáng vật có ích và các khoáng vật không có ích xâm nhiễm khá mịn và rất chặt chẽ với nhau, gây khó khăn cho việc tách riêng các khoáng có ích ra khỏi đất đá. Qua nghiên cứu trong phòng Thí nghiệm, đề tài đề xuất sơ đồ công nghệ tuyển nổi chọn riêng để tuyển đối tượng quặng sunfua chì kẽm nghèo vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn, sản phẩm thu được là quặng tinh chì và kẽm đạt yêu cầu về chất lượng thực thu.

2) Đối với đề tài “Nghiên cứu lựa chọn chất trợ lắng hợp lý cho bùn quặng thải các nhà máy tuyển quặng bauxite Tây Nguyên”.

Cơ quan quản lý đề tài: Bộ Công Thương

Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Triệu Văn Bình

Qua nghiên cứu cho thấy, hàng năm nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai và Nhân Cơ có lượng bùn thải lớn, trên 3,5 triệu tấn. Để xử lý lượng bùn thải trên, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, đề tài đã đề xuất áp dụng phương pháp tuyển, sử dụng chất trợ lắng VFA 1200.

Kết quả áp dụng thử nghiệm chất trợ lắng VFA 1200 tại Nhà máy tuyển bauxite Tân Rai cho thấy:

– Về tiêu hao chất trợ lắng VFA 1200 trên một tấn bùn khô khoảng 45g/tấn, chi phí để xử lý bùn thải thấp hơn 50-55% so với chất trợ lắng khác đang sử dụng, chỉ khoảng 2.700 đ/1 tấn bùn khô.

– Chất lượng nước mặt của đập bùn thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn QCVN 40/2011/BTNMT (B).

Tại Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp nhiều ý kiến để các cán bộ thực hiện đề tài hoàn thiện Báo cáo tổng kết đề tài trước khi trình Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương phê duyệt./.

Các mục khác