Đại diện Lãnh đạo Ban AT và Ban CV, Tập đoàn TKV làm việc với Trung tâm An toàn mỏ

Ngày 21/4/2016, đại diện Lãnh đạo Ban AT và Ban CV, Tập đoàn TKV, đã có buổi làm việc với Trung tâm An toàn mỏ, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin. Đoàn công tác gồm có ông Dương Văn Thìn, Phó Trưởng Ban AT, ông Đoàn Việt Tuấn, Phó Trưởng Ban CV và ông Mạc Quốc Sử, chuyên viên Ban AT. Về phía Trung tâm An toàn mỏ, ông Phùng Quốc Huy, Phó Giám đốc thường trực, ông Phạm Xuân Thanh và ông Lê Trung Tuyến, Phó Giám đốc, cùng các trưởng, phó phòng có liên quan.

Nội dung chính của buổi làm việc là kiểm điểm việc thực hiện Kết luận của Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Ngọc Cơ tại cuộc họp rút kinh nghiệm sự cố cháy khí mêtan, ca 3, ngày 02/4/2016, tại Công ty than Hạ Long. Theo đó, buổi làm việc tập trung vào việc kiểm soát cháy nổ khí mêtan.

Tại buổi làm việc, ông Phùng Quốc Huy đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện các công việc lien quan đến kiểm soát cháy nổ khí mêtan  trong thời gian qua, bao gồm: 1) Khảo sát, lấy mẫu xác định độ chứa khí, độ thoát khí mêtan; 2) Kiểm soát các hệ thống quan trắc khí mỏ tự động; và 3) Kiểm định thiết bị phòng nổ.

Theo Báo cáo, trong thời gian qua, Trung tâm An toàn mỏ đã phối hợp chặt chẽ với các mỏ, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật ở các lĩnh vực nêu trên, đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại. Cụ thể: 1) Trong việc lấy mẫu xác định độ chứa khí, một số mỏ thực hiện chưa đúng quy trình, ảnh hưởng xấu đến chất lượng mẫu; 2) Việc vận hành, bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống quan trắc khí, một số đơn vị chưa tuân thủ quy trình, từ việc bảo quản thiết bị, lắp đặt thiết bị, đầu đo sai vị trí, trong đó, nhiều vị trí chưa được lắp đặt đầu đo khí CO, tốc độ gió, cập nhật hệ thống đường lò chưa kịp thời, chưa lắp đặt đầy đủ thiết bị liên động cắt điện cho các đầu đo khí mêtan, nhân lực vận hành hệ thống quan trắc còn mỏng, bố trí chưa hợp lý …; 3) Lĩnh vực kiểm định thiết bị phòng nổ, chưa kiểm soát được các thiết bị nhập khẩu không qua kiểm định, khối lượng các thiết bị sau sửa chữa qua kiểm định còn hạn chế… Những tồn tại này của các đơn vị đều đã được ghi nhận giữa Trung tâm An toàn mỏ với từng đơn vị liên quan, tuy nhiên, việc khắc phục chưa kịp thời và triệt để.

Tiếp đó, các thành viên tham dự đã có những ý kiến trao đổi, trong đó, ghi nhận những tồn tại mà Báo cáo đã nêu, đồng thời tìm giải pháp nhằm khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, 1) Về các Biên bản ghi nhận tồn tại của các đơn vị, trước đây chưa được báo cáo kịp thời với Tập đoàn, do đó làm giảm hiệu lực giám sát của các Ban tham mưu cho Tổng Giám đốc. Trong thời gian tới, cùng với Ban KCM, những tồn tại này cần được gửi trực tiếp cho Ban AT, Ban CV; 2) Việc sửa chữa các thiết bị, đầu đo trong các hệ thống quan trắc khí còn chậm, nguyên nhân do thời gian hoàn thiện thủ tục, từ khi giải thể thiết bị đến khi ký hợp đồng bị kéo dài, thậm chí đến 6 tháng, do đó, cần tích cực tìm giải pháp phù hợp để khắc phục, như vẫn thực hiện sửa chữa đồng thời với việc hoàn thiện thủ tục; 3) Đối với trạm kiểm soát khí qua mạng internet, cần nâng cao hiệu quả, như, các cán bộ trực trạm phải nghiên cứu quy luật thoát khí của từng khu vực, giúp cho việc xác định nguy cơ, hiểm họa kịp thời và chính xác hơn, đặc biệt. đó là cơ chế báo cáo, cảnh báo khi xuất hiện những đột biến…

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các Ban của Tập đoàn đều ghi nhận những kết quả mà Trung tâm An toàn mỏ đã đạt được trong thời gian qua, thống nhất sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp đã được đề xuất trong buổi làm việc, đồng thời đề nghị Trung tâm An toàn, trong quá trình kiểm định thiết bị, cần nghiên cứu, tư vấn cho Tập đoàn trong việc phân loại chất lượng thiết bị đã qua kiểm định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng những thiết bị này. Ví dụ, như khởi động từ QJZ và QBZ, máy nổ mìn xuất sứ Trung Quốc… Bên cạnh đó, đại diện Lãnh đạo các Ban của Tập đoàn cũng đồng thuận với giải pháp tăng cường nghiên cứu chế tạo, nội địa hóa các linh kiện, thiết bị của hệ thống cảnh báo khí, máy nổ mìn… và coi đó là một trong những giải pháp chủ động nhất trong việc nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn cháy nổ khí mêtan./.

Các mục khác