Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin: Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp cơ sở

Ngày 28.5.2016, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều độ tập trung mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”.

Hội đồng khoa học công nghệ cấp cơ sở được thành lập theo Quyết định của Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, số 501/QĐ-VKHCNM, ngày 21/12/2015, gồm 7 thành viên, TS. Trần Tú Ba, làm Chủ tịch, TS. Lưu Văn Thực, Phó Chủ tịch, TS. Đào Đắc Tạo, Phản biện 1, ThS. Lê Văn Hải, Phản biện 2.

Cơ quan quản lý đề tài: Bộ Công Thương

Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Vũ Thế Nam

Việc áp dụng công nghệ cao, tự động hóa trong quá trình sản xuất là xu thế phát triển của các mặt hoạt động kinh tế, xã hội trên thế giới nói chung và trong công nghiệp mỏ nói riêng. Nhiều mỏ than hầm lò ở các nước có nền công nghiệp mỏ phát triển như Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… đã trang bị các hệ thống điều độ tập trung, tự động hóa các khâu công nghệ, kiểm soát tự động từ xa. Nhờ đó, không những năng suất lao động tăng lên, giá thành khai thác giảm, mà còn giảm số lao động trực tiếp trong hầm lò, từ đó, giảm nguy cơ mất an toàn trong sản xuất.

Tại các mỏ vùng Quảng Ninh, trong những năm qua, bước đầu đã trang bị một số hệ thống điều khiển tự động hóa, như hệ thống cảnh báo khí mỏ tự động, đã được trang bị ở tất cả các mỏ than hầm lò, một số mỏ đã trang bị hệ thống kiểm soát người, hệ thống điều khiển bơm nước trong hầm lò. Mặc dù mới là các hệ thống đơn lẻ, nhưng qua thực tế vận hành, đã cải thiện được rất nhiều, nhất là việc kiểm soát an toàn.

Từ thực tế đó, nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu số công nhân trực tiếp trong hầm lò và nâng cao mức độ an toàn trong các mỏ than hầm lò, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã đề xuất và được Bộ Công Thương tuyển chọn, giao thực hiện đề tài nói trên.

Mục tiêu của đề tài: Xây dựng hệ thống điều độ tập trung các quá trình công nghệ chính cho mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và đảm bảo an toàn,

Nội dung nghiên cứu của đề tài: 1) Đánh giá tổng quan hệ thống giám sát và điều độ tập trung của mỏ than hầm lò trên thế giới; 2) Đánh giá thực trạng về ứng dụng công nghệ tự động hóa trong khai thác than hầm lò của ngành than Việt Nam; 3) Nghiên cứu đánh giá tình trạng hoạt động của các quá trình sản xuất chính của mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh; 4) Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều độ tập trung các quá trình công nghệ của mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh; 5) Nghiên cứu thiết kế hệ thống điều độ tập trung các quá trình công nghệ chính tại một mỏ than hầm lò được lựa chọn trong Tập đoàn TKV.

Sau khi nghe nhóm thực hiện trình bày báo cáo tổng kết đề tài, các nhận xét phản biện cũng như các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó, về cơ bản đánh giá, nhóm thực hiện đã hoàn thành việc thực hiện đề tài, với những kết quả nghiên cứu có chất lượng, bám sát mục tiêu và các nội dung đặt ra. Đồng thời các ý kiến đã góp ý rất chi tiết, nhất là về bố cục, logic trong trình bày, sử dụng các thuật ngữ cũng như một số điều chỉnh của Hệ thống điều độ tập trung được chọn, theo hướng nâng cao tính khả thi trong việc áp dụng. Hội đồng KHCN thống nhất với đề xuất của đề tài về việc đề nghị Bộ Công Thương cho triển khai Dự án SXTN, tiếp nối kết quả nghiên cứu của đề tài, đồng thời thống nhất nghiệm thu đề tài ở cấp cơ sở, và đề nghị nhóm thực hiện đề tài hoàn thiện Báo cáo tổng kết đề tài trước khi trình Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương phê duyệt./.

Các mục khác