Tập đoàn TKV: Họp chấn chỉnh về công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất

Ngày 1 tháng 6 năm 2016, tại Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh, Tập đoàn TKV, dưới sự chủ trì của ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn TKV đã tổ chức cuộc họp, v/v Chấn chỉnh sau vụ sự cố cháy khí tại khu Hà Ráng-Công ty than Hạ Long.

Tham dự cuộc họp, có đại diện lãnh đạo các ban của TKV, ông Đinh Hữu Quyết, Trưởng Ban CV, ông Phạm Ngọc Lược, Phó trưởng Ban KCM, ông Nguyễn Kim Cẩn, Phó trưởng Ban AT. Về phía Công ty than Hạ Long-TKV, đơn vị quản lý mỏ Hà Ráng có ông Bùi Đình Thanh, Giám đốc, ông Đỗ Đức Tiệm, Phó Giám đốc, cùng lãnh đạo một số phòng có liên quan. Về phía Trung tâm Cấp cứu mỏ, ông Hoàng Bạch Đằng, Giám đốc, cùng một số cán bộ liên quan.

Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tham dự cuộc họp có ông Trần Tú Ba, Viện trưởng, ông Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm An toàn mỏ, ông Phùng Quốc Huy, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm An toàn mỏ, cùng một số trưởng phòng có liên quan.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc TKV, ông Ngô Hoàng Ngân đã điểm lại tình hình mất an toàn lao động trong toàn Tập đoàn từ đầu năm 2016 đến nay, trong đó nổi cộm nhất là vụ cháy khí mêtan tại khu Hà Ráng ngày 03/4/2016, tiếp đó đến vụ nổ bãi mìn tại công trường Công ty than Cao Sơn. Đồng thời nhấn mạnh, nội dung cuộc họp hôm nay nhằm rút kinh nghiệm từ vụ cháy khí mêtan tại khu Hà Ráng ngày 03/4/2016 để kiện toàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn tại các đơn vị trong TKV nói chung và Công ty than Hạ Long nói riêng.

Theo đó, cuộc họp đã nghe Báo cáo của Công ty than Hạ Long về trường hợp mất an toàn, cháy khí mêtan tại khu Hà Ráng ngày 03/4/2016, Báo cáo của lãnh đạo các ban AT, KCM, CV, phân tích các nguyên nhân của vụ cháy khí mêtan tại khu Hà Ráng. Tiếp đó là các báo cáo của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và Trung tâm Cấp cứu mỏ, đi sâu phân tích về nguồn xuất khí mêtan, cũng như các nguyên nhân gây cháy khí.

Tổng hợp các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Ngô Hoàng Ngân đã kết luận:

– Sơ đồ công nghệ đã được thiết kế và sơ đồ Ứng cứu sự cố – Tìm kiếm cứu nạn là hoàn toàn đúng cho khu vực từ mức -60/-30 cánh tây khu V vỉa 14 khu Hà Ráng (nơi đã xảy ra sự cố).

– Nguyên nhân sơ bộ có thể do động cơ máng cào, do biện pháp xử lý cụ thể chưa hợp lý, khi hàm lượng khí tăng cao, như việc vận hành quạt cục bộ tích cực, khiến cho hàm lượng mêtan bị hòa loãng đến giới hạn cháy, nổ…

– Về các giải pháp đảm bảo an toàn, cần bổ sung thêm đầu đo khí ở những đường lò thông gió mức trên; trang bị các máy đo khí cá nhân cho các gương lò; các đơn vị phải kiểm định những thiết bị, vật tư trước khi đưa vào sử dụng trong mỏ hầm lò; Đối với hệ thống giám sát khí mỏ tập trung từ xa đặt tại Trung tâm An toàn mỏ, đề nghị Trung tâm An toàn mỏ lập phương án để các Ban của Tập đoàn TKV và các đơn vị khác hỗ trợ khi xảy ra sự cố.

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo:

– Các Ban trong TKV: Rà soát lại các quy trình, quy định, hướng dẫn để ban hành mới trước tháng 7 năm 2016 ( báo cáo PTGĐ vào cuối tháng 6 năm 2016).

– Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tham gia cùng với Ban AT (chủ trì), Ban KCM, Ban CV rà soát lại toàn bộ các hệ thống quan trắc khí mỏ, yêu cầu kiểm tra từ chi tiết đến tổng thể đối với từng đơn vị (xong trước 15/7/2016); kiểm tra vật liệu nổ.

– Đoàn điều tra tìm nguyên nhân xảy ra sự cố cháy khí tại khu Hà Ráng ngày 03/4/2016: Đến ngày 20/6/2016 phải có kết luận.

– Công ty than Hạ Long, một mặt chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn, mặt khác cần cải thiện hơn nữa điều kiện và môi trường làm việc của công nhân.

Các mục khác