Tập đoàn TKV: Kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ chủ trì thực hiện

Ngày hôm nay, 19/01/2017, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt nam đã có buổi làm việc, kiểm tra kết quả và tiến độ thực hiện đề tài: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo giàn mềm có cơ cấu thủy lực, trong điều kiện khai thác các vỉa than dày trung bình, dốc trên 45 độ.

Thành phần đoàn kiểm tra gồm có, ông Phạm Công Hương, Trưởng Ban KCL, ông Nguyễn Văn Đụng, Phó trưởng Ban KCM, ông Đoàn Việt Tuấn, Phó trưởng Ban CV, ông Dương Văn Thìn, Phó trưởng Ban AT, cùng một số cán bộ, chuyên viên Ban KCL, CV.

Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, đơn vị chủ trì thực hiện đề tài có ông Trần Tú Ba, Viện trưởng, ông Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, ông Đoàn Ngọc Cảnh, Chủ nhiệm đề tài, cùng một số trưởng phòng có liên quan.

Công ty CP Cơ khí Mạo Khê, đơn vị phối hợp chế tạo thiết bị, ông Nguyễn Hải Long, Giám đốc, ông Đỗ Xuân Vững,.Trưởng phòng KT&CN.

Công ty than Hồng Thái, đơn vị phối hợp thử nghiệm thiết bị, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Giám đốc, ông Nguyễn Trọng Hòa, Trưởng phòng KCM, ông Hoàng Văn Anh, Quản đốc Phân xưởng KT5, cùng một số cán bộ có liên quan.

Theo Chương trình, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, cùng các đơn vị phối hợp thực hiện sẽ trình bày Báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện đề tài. Tiếp đó, Đoàn sẽ kiểm tra hiện trường trong hầm lò, lò chợ mức +158/+200, vỉa 9B, khu Tràng Khê II, nơi đang thử nghiệm giàn chống GM 20/30, sản phẩm của đề tài.

Như tin đã đưa, từ năm 2015, Công ty than Hồng Thái đã phối hợp với Viện KHCN Mỏ nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY20/30L, áp dụng khai thác vỉa than dày trung bình đến dày, mức độ biến động chiều dày lớn, dốc trên 45 độ. Với việc áp dụng giàn chống mềm, đã thay thế cho vật liệu chống giữ truyền thống, nâng cao mức độ an toàn, tăng công suất lò chợ, tăng năng suất lao động và giảm tổn thất than. Với điều kiện vỉa như trên, thực tế, từ trước đến nay chưa có công nghệ nào phù hợp, các mỏ vẫn phải áp dụng công nghệ khai thác buồng, tổn thất than lớn, nhất là mức độ an toàn hạn chế. Theo đánh giá, điều kiện vỉa như nói trên tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh có trữ lượng đến 9 triệu tấn, có thể áp dụng công nghệ khai thác này và thực tế, nhiều mỏ đang chuẩn bị triển khai áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, thiết bị chống giữ lò chợ, giàn chống ZRY 20/30L, chúng ta vẫn phải nhập khẩu của Trung Quốc. Từ đó, để chủ động trong đầu tư công nghệ, giảm chi phí đầu tư…Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã đề xuất và được Tập đoàn tuyển chọn thực hiện đề tài nói trên.

Nhận thức được tầm quan trọng của đề tài, với mong muốn nhanh chóng hoàn thành đề tài, chế tạo nội địa hóa được giàn chống mềm, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã nỗ lực trong việc triển khai thực hiện đề tài, thêm vào đó, là sự phối hợp hiệu quả của Công ty CP Cơ khí Mạo Khê và của Công ty than Hồng Thái. Đến nay, mặc dù mới chỉ 6 tháng thực hiện, nhưng đề tài đã hoàn thành chế tạo được giàn chống mềm GM 20/30 và đã đưa vào thử nghiệm trong lò chợ được 1 tháng.

Các mục khác