Lãnh đạo Tập đoàn kiểm tra thực tế áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm tại Hồng Thái

Ngày 2/3/2017, Thành viên HĐTV Vũ Thành Lâm đã có chuyến công tác, làm việc với Công ty than Hồng Thái về thực tế áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm tại vỉa 9b, mức +150/+200, khu Tràng Khê II.

Tham dự đoàn công tác có Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Nguyễn Đình Thịnh, đại diện lãnh đạo một số Ban liên quan của Tập đoàn, Ban KCL, KCM, CV, TN… đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, ông Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, cùng một số trưởng, phó phòng có liên quan; Công ty CP Cơ khí Mạo Khê, ông Nguyễn Hải Long, Giám đốc, ông Đặng Văn Phối, Phó Giám đốc.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía Công ty than Hồng Thái có ông Nguyễn Quế Thanh, Giám đốc, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Giám đốc, cùng một số trưởng, phó phòng, KCM, CV…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quế Thanh, Giám đốc Công ty và ông Đào Hồng Quảng đã báo cáo với đoàn toàn bộ quá trình nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống bằng giàn chống mềm ZRY, cùng việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo nội địa hóa giàn chống mềm. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn, tại văn bản số 1911/TKV-KCM, ngày 04/4/2014, Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ lập “Dự án đầu tư áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY của Trung Quốc, tại Công ty than Hồng Thái”. Quá trình thực hiện Dự án, việc triển khai áp dụng thử nghiệm được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1, mở lò chợ ở phân tầng +65/+95 vỉa 9b, khu Tràng Khê II, chiều dài gương lò chợ xiên chéo khoảng 40 m, góc dốc nền lò chợ khoảng 30 độ, với chiều dài theo phương khoảng 40 m, giai đoạn 2, kéo dài lò chợ xuống mức +40, tạo gương lò chợ xiên chéo dài 105 m. Đến cuối tháng 7/2015, lò chợ đầu tiên đã hoàn thành lắp đặt toàn bộ dây chuyền thiết bị và đưa vào vận hành,  tháng 9/2015, kết thúc lò chợ giai đoạn 1, triển khai lò chợ giai đoạn 2 và kết thúc cuối năm 2016. Tiếp đó, chuyển diện sang lò chợ mức +150/+200, vỉa 9b, khu Tràng Khê II và hiện đang khai thác. Khu vực áp dụng công nghệ, vỉa than dày trung bình 2 đến 3 m, dốc trung bình 50 độ. Gương lò chợ hiện tại dài 100 m, góc dốc nền khoảng 30 độ.

Kết quả áp dụng trong thời gian qua, cho thấy, sản lượng lò chợ giai đoạn 2 và hiện tại đạt trung bình 7800 tấn/tháng, năng suất lao động 6 tấn/công-ca, tổn thất 15 đến 20%, đảm bảo an toàn.

Từ những kết quả đạt được trong việc áp dụng công nghệ này tại Hồng Thái, Công ty than Uông Bí đã phối hợp với Viện lập Thiết kế BVTC lò chợ 8(43)-3 TK, mức -50/+10, mỏ Tràng Bạch, áp dụng công nghệ nói trên. Lò chợ này được đưa vào vận hành cuối tháng 6/2016.

Đánh giá chung, trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc trên 45 độ, tại khu Tràng Khê II, Công ty than Hồng Thái, cũng như tại khu Tràng Bạch, Công ty than Uông Bí, cho thấy, công nghệ mới có nhiều ưu điểm cơ bản so với các công nghệ đã áp dụng trước đó, năng suất lao động tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất than, đặc biệt, nâng cao mức độ an toàn, thao tác công nghệ đơn giản.

Thực tế, trong năm qua, Viện đã triển khai các bước lập Báo cáo đáng giá khả năng đầu tư áp dụng mở rộng công nghệ này cho các khu vực có điều kiện phù hợp tại Vàng Danh, Nam Mẫu, Mông Dương và Tổng Công ty Đông Bắc.

Liên quan đến việc mở rộng áp dụng công nghệ, với mục tiêu chế tạo nội địa hóa giàn chống mềm sử dụng trong công nghệ khai thác này, tháng 7/2016, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã đề xuất và được TKV giao thực hiện đề tài:  Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo giàn mềm có cơ cấu thủy lực trong điều kiện khai thác các vỉa than có chiều dày trung bình, góc dốc trên 45o”.

Thực hiện nội dung nghiên cứu của đề tài, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã hoàn thành nghiên cứu, thiết kế chế tạo giàn chống, mã hiệu GM 20/30, phối hợp cùng Công ty CP cơ khí Mạo Khê thực hiện chế tạo toàn bộ phần kết cấu của 2 bộ, gồm 6 giàn chống nói trên; phối hợp cùng Công ty CP công nghiệp ô tô Vinacomin cung cấp, chế tạo các linh kiện thuỷ lực của giàn chống, bao gồm các bộ van thủy lực, tay điều khiển, xy lanh đẩy sau… một số linh kiện, chi tiết thuỷ lực khác, như cột thuỷ lực, cút nối, đường ống… mua sẵn của các đơn vị kinh doanh, sản xuất trong nước. Theo đánh giá, tỷ lệ nội địa hóa đạt 90%. Tiếp đó, Viện đã trình hồ sơ thiết kế và bảo vệ trước hội đồng của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương và được phép áp dụng thử nghiệm giàn chống trong hầm lò (QĐ số 1032/ATMT-MDK ngày 21 tháng 10 năm 2016). Từ đó, Viện đã phối hợp cùng Công ty than Hồng Thái lập biện pháp lắp đặt và tháng 12/2016 đã đưa 6 bộ giàn chống GM 20/30 vào thử nghiệm trong lò chợ II-9-2, mức +150/+200, vỉa 9b khu Tràng Khê II. Theo đánh giá, các giàn chống GM 20/30 làm việc ổn định, tương tự như các giàn chống ZRY của Trung Quốc đang vận hành trong lò chợ này. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, giàn chống GM còn bộc lộ một số chi tiết cần hoàn thiện. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục thử nghiệm các giàn chống này, đồng thời, Viện sẽ nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế sản phẩm trong điều kiện áp dụng thực tế, làm cơ sở để đề xuất triển khai Dự án SXTN, chế tạo loại giàn chống này để chống giữ cho 1 lò chợ.

Trong các báo cáo của đại diện lãnh đạo các Ban liên quan, Ban KCM, KCL, TN, CV… đều thống nhất ghi nhận những kết quả trong việc áp dụng công nghệ cũng như chế tạo giàn chống GM, đồng thời đề cập đến khả năng mở rộng áp dụng công nghệ này trong các khu vực có điều kiện tương tự tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Thành Lâm đã biểu dương và ghi nhận những kết quả mà các bên, chủ đầu tư, Công ty than Hồng Thái, cơ quan tư vấn, thiết kế, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, đơn vị chế tạo giàn chống GM, Công ty CP Cơ khí Mạo Khê đã đạt được trong việc nghiên cứu áp dụng thử nghiệm thành công công nghệ khai thác nói trên, cũng như việc nhanh chóng tiếp cận, kịp thời nghiên cứu, thiết kế chế tạo nội địa hóa giàn chống mềm sử dụng trong công nghệ này. Ông Vũ Thành Lâm nhấn mạnh những ưu điểm của công nghệ mới, so với các công nghệ khai thác áp dụng trước đó, cho các điều kiện vỉa dốc trên 45 độ, đó là tăng năng suất lao động, giảm thao tác nặng nhọc của công nhân, đặc biệt là mức độ an toàn cao,…

Tiếp đó, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế hiện trường lò chợ. Tại đây, đoàn công tác đã được giới thiệu và chứng kiến các thao tác công nghệ, cũng như việc thực hiện quy trình công nghệ khai thác, di chuyển giàn chống, vận tải than… trong lò chợ, trực tiếp kiểm tra việc vận hành các giàn chống GM đang thử nghiệm.

Các mục khác