Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin: Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp cơ sở

Ngày 31/3/2017, Viện khoa học công nghệ mỏ – Vinacomin đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển than don xô vùng Quảng Ninh bằng thiết bị tuyển xoáy lốc huyền phù ba sản phẩm”.

Hội đồng KHCN được thành lập theo Quyết định số 97/QĐ-VKHCNM, ngày 8/3/2017 gồm 7 thành viên, do TS. Trần Tú Ba, Viện trưởng làm Chủ tịch; PGS. TS. Nguyễn Hoàng Sơn (Trường Đại học mỏ địa chất Hà Nội) – Phó chủ tịch;  TS. Phạm Văn Luận (Trường Đại học mỏ địa chất Hà Nội) – Phản biện 1; TS. Phạm Hữu Giang (Trường Đại học mỏ địa chất Hà Nội)- Phản biện 2.

Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương

Cơ quan thực hiện: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin

Chủ nhiệm đề tài: KS. Đỗ Nguyên Đán

Mục tiêu nghiên cứu chính của đề tài là nhằm nâng cao chất lượng than, tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường và giảm giá thành sản xuất. Đề tài tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Tổng quan tình hình nghiên cứu, áp dụng công nghệ xoáy lốc huyền phù 3 sản phẩm trên thế giới và Việt Nam; nghiên cứu đặc tính than tại mỏ Hà Ráng; Thiết kế chế tạo và lắp đặt dây chuyền tuyển xoáy lốc huyền phù 3 sản phẩm quy mô phòng thí nghiệm; Thử nghiệm tuyển mẫu than mỏ Hà Ráng, trên cơ sở đó tính toán xây dựng một dây chuyền tuyển nâng cao chất lượng than bằng công nghệ này.

Công nghệ tuyển than bằng thiết bị tuyển xoáy lốc huyền phù ba sản phẩm là công nghệ được phát minh tại Liên xô, nhưng nó được phát triển áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc và Nam Phi. Hiện nay, công nghệ này đã được áp dụng rộng rãi tại các nước trên thế giới. Ưu điểm của công nghệ là đơn giản, dễ sử dụng, than cấp liệu không cần phân cấp hạt, không cần khử bùn, hiệu suất tuyển cao, năng suất lớn, chi phí đầu tư và sản xuất thấp.

Than sử dụng làm mẫu tuyển là than mỏ Hà Ráng do than của mỏ này được đánh giá loại than rất khó tuyển do đó có thể đại diện cho than vùng Quảng Ninh.

Sau khi nghe nhóm thực hiện đề tài trình bày báo cáo tổng kết, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó, về cơ bản đánh giá, nhóm thực hiện đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu đề ra. Việc nghiên cứu xây dựng dây chuyển tuyển nâng cao chất lượng than nằng công nghệ này cho Hà Ráng là rất cần thiết và cần được nghiên cứu nhân rộng ra các mỏ khác vùng Quảng Ninh… Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần bổ sung thêm một số thông số, số liệu (phân tích tính khả tuyển, tính vỡ vụn…) trích dẫn tài liệu,… Hội đồng đã đánh giá cao tính thực tế, tính khả thi của đề tài và thống nhất nghiệm thu ở cấp cơ sở./.

Các mục khác