Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Công Thương nghiệm thu đề tài do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin

Ngày 10/5/2019, Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển các thiết bị lò chợ CGH đồng bộ tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh” và đề tài: Nghiên cứu áp dụng vì chống neo trong các đường lò than khu vực khai thác lò chợ tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”.

* Đối với đề tài: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển các thiết bị lò chợ CGH đồng bộ tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”.

Trên cơ sở các kết quả phân tích, nghiên cứu, nhằm nâng cao mức độ an toàn, năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất trong quá trình lắp đặt, tháo dỡ, chuyển diện các lò chợ CGHĐB tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh, đề tài đã đề xuất một số giải pháp kỹ thuật trong công tác chuyển diện lò chợ CGHĐB tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh bao gồm: 1) Giải pháp chống giữ thượng khởi điểm bằng vì chống neo; 2) Giải pháp vận chuyển đồng bộ thiết bị cơ giới hóa bằng hệ thống vận chuyển chạy trên mô nô ray hoặc chạy trên đường ray dạng răng cưa; 3) Giải pháp lắp đặt bằng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa khai thác bằng các thiết bị đa công năng; 4) Các giải pháp tạo diện thu hồi như sử dụng cáp thép thay cho gỗ; chống giữ diện thu hồi bằng vì chống neo và tạo diện thu hồi bằng các đường lò đào tiến trước

Đề tài đã lựa chọn giải pháp tạo diện thu hồi sử dụng cáp thép thay cho gỗ khi để thiết kế cho điều kiện lò chợ TT-7-9 khu Trung Tâm mỏ than Ngã Hai – Công ty than Quang Hanh. Kết quả tính toán cho thấy, thời gian thực hiện giải pháp là 30 ngày, nhân lực phục vụ 1548 công, chi phí thực hiện giải pháp khoảng 1.478.340.000 đồng. So với giải pháp tạo diện thu hồi sử dụng gỗ kết hợp lưới thép, thời gian thực hiện giải pháp giảm khoảng 30%, nhân công giảm khoảng 38% và chi phí thực hiện giảm khoảng 40%.

* Đối với đề tài: Nghiên cứu áp dụng vì chống neo trong các đường lò than khu vực khai thác lò chợ tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”.

Đề tài đã tiến hành đánh giá tổng hợp đặc điểm điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ vùng Quảng Ninh và kinh nghiệm chống giữ và duy trì đường lò đào trong than tại các mỏ than trên thế giới cho thấy, để duy trì ổn định các đường lò trong khu vực khai thác lò chợ cần áp dụng các giải pháp chống giữ bằng vì neo sử dụng neo ngắn kết hợp với neo cáp, sử dụng neo kết hợp với vì chống thép linh hoạt, thay đổi hình dạng tiết diện của vì chống cho phù hợp với điều kiện áp lực mỏ.

Dựa trên cơ sở điều kiện các vỉa than thực tế, đề tài đề xuất một số hộ chiếu chống bằng vì neo phù hợp điều kiện áp dụng. Với giải pháp thi công chống giữ lò kết hợp giữa neo ngắn và neo dài sẽ cải thiện khả năng mang tải của vì chống neo trong các đường lò khu vực khai thác lò chợ. Kết quả đường lò sau nhiều tháng theo dõi, đo đạc dịnh động bằng các trạm chỉ thị màu, đến nay chưa thấy sự biến dạng nóc lò lớn. Dịch chuyển các mốc đo chỉ một vài mm trong giới hạn an toàn. Các hiện tượng lở hông, tụt nóc gây biến dạng đường lò và thu hẹp diện tích an toàn cho người và thiết bị khi đường lò hoạt động không xảy ra.

Tại Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng khoa học công nghệ đã đóng góp nhiều ý kiến trong đó, về cơ bản Hội đồng đánh giá cao kết quả thực hiện của đề tài cũng như khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất, các đề tài đã được nghiệm thu và được Hội đồng đánh giá đạt kết quả xuất sắc./.

Các mục khác