Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2020 – “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và Thách thức”.

Ngày 18/6/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và Thách thức”.

Diễn đàn có sự tham dự của đại biểu từ các cơ quan Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức Quốc tế, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội ngành, các viện nghiên cứu, trường Đại học và đại điện các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông

Tham dự Diễn đàn lần này, đoàn Viện KHCN Mỏ có ông Nhữ Việt Tuấn – Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn cùng một số các cán bộ có liên quan.

Phát biểu tại Diễn đàn lần này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã đề xuất, cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong giai đoạn tới, để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những tháng đầu năm, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. Tình hình thủy văn vẫn bất lợi, dù đã phải huy động tối đa điện sản xuất từ điện than, khí, năng lượng tái tạo nhưng EVN vẫn phải huy động nguồn điện dầu giá cao.

    Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, dự kiến năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021, nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Thậm chí, tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ… Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000 – 1.200 MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm.

Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách.

Các mục khác