Trong hai ngày 30, 31 tháng 10 năm 2012, Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã tổ chức bảo vệ luận văn thạc sĩ khóa 22. PGS.TS. Phùng Mạnh Đắc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng và TS.
Trong hai ngày 30, 31 tháng 10 năm 2012, Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã tổ chức bảo vệ luận văn thạc sĩ khóa 22. PGS.TS. Phùng Mạnh Đắc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng và TS. Trương Đức Dư, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.
Trong số 19 học viên là cán bộ chuyên ngành khai thác mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bảo vệ luận văn thạc sĩ đợt này, có 6 học viên là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ. Đó là Đàm Huy Tài với đề tài ” Hoàn thiện công nghệ khai thác cột dài theo phương khấu than bằng khoan nổ mìn, điều khiển đá vách bằng các dải lưu than cho các vỉa dày trung bình, góc dốc từ 40 độ đến 65 độ tại mỏ than Quang Hanh”; Phùng Việt Bắc với đề tài “Nghiên cứu đề xuất các sơ đồ công nghệ khai thác hợp lí trữ lượng tài nguyên vỉa dày, dốc dưới các công trình công nghiệp và dân dụng khu Cánh Nam mỏ than Mạo Khê”; Trần Minh Tiến với công trình “Nghiên cứu áp dụng các giải pháp nổ mìn trong lỗ khoan dài khi khai thác vỉa dày, dốc đứng tại một số mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”; Thân Văn Duy với công trình “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ cơ giới hóa khai thác vỉa mỏng, dốc bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH tại mỏ than Hồng Thái”; Võ Thành Chung với công trình “Nghiên cứu nhu cầu tháo khí mê tan cho vỉa 13.1 mỏ than Khe Chàm” và Nguyễn Tuấn Anh với đề tài “Nghiên cứu khả năng tự cháy của các vỉa than ở mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh và đề xuất các giải pháp phòng chống cháy mỏ“.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các mỏ than khai thác lộ thiên ngày càng cạn kiệt, ngành Than Việt Nam đang phải phát triển khai thác than hầm lò, khai thác xuống sâu để đảm bảo Quy hoạch ngành Than đến năm 2020 và triển vọng đến năm 2030, các luận văn thạc sĩ của các cán bộ Viện đã tập trung vào lĩnh vực công nghệ khai thác hầm lò, nâng cao mức độ an toàn, phòng chống cháy nổ khí, cháy mỏ trong quá trình khai thác. Đây là những vấn đề có tính thời sự cao, đang được ngành Than quan tâm nghiên cứu áp dụng vào sản xuất.
Các luận văn của các học viên được Hội đồng đánh giá là có tính thực tiễn cao, bố cục có tính logic, các số liệu trong luận văn được tính toán, phân tích, tổng hợp một cách cụ thể, chi tiết thể hiện sự công phu, tỉ mỉ, đầu tư nhiều thời gian, công sức trong quá trình thực hiện của các học viên./.