Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Công nhân mỏ – Truyền thống ngành Than, là dịp ôn lại những năm tháng hào hùng và những cố gắng vượt khó của các thành viên trong Tập đoàn. Thêm một lần nữa, truyền thống "Kỷ luật- đồng tâm", đồng lòng chia sẻ khó khăn của những người con đất mỏ lại được phát huy…
Càng gian khó, càng đồng tâm
Truyền thống “Kỷ luật- Đồng tâm” của những người con đất mỏ được phát huyKỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống Công nhân mỏ – Truyền thống ngành Than, là dịp ôn lại những năm tháng hào hùng và những cố gắng vượt khó của các thành viên trong Tập đoàn. Thêm một lần nữa, truyền thống “Kỷ luật- đồng tâm”, đồng lòng chia sẻ khó khăn của những người con đất mỏ lại được phát huy…
Nhìn thẳng vào khó khăn
Đề cập về khó khăn của năm 2012, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) kiêm Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh – Phạm Văn Mật chia sẻ: Đây là năm khó khăn nhất đối với ngành Than. Do suy thoái của kinh tế trong nước, các hộ tiêu thụ lớn như: Điện, xi măng, vật liệu xây dựng… đều giảm sản xuất, dẫn đến lượng tiêu thụ than trong nước giảm. Đầu năm, các đơn vị đăng ký 34 triệu tấn, nhưng đến nay, khả năng chỉ thực hiện được 25 triệu tấn.
Với than xuất khẩu, do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu về năng lượng giảm, dẫn đến tồn kho của các nước sản xuất nhiều than tăng cao, giá than trên thị trường thế giới giảm rất sâu, từ 30 – 40%. Thực tế trên dẫn đến việc Vinacomin phải giảm sản lượng, cắt giảm quyết liệt chi phí, san sẻ việc làm, giảm thu nhập…
Để cán bộ công nhân viên (CBCNV) hiểu được những khó khăn, có thái độ và hành động ứng xử đúng, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban điều hành Tập đoàn đã có Nghị quyết để quán triệt trong đảng viên, CBCNV từ Tập đoàn cho đến các đơn vị; phân công lãnh đạo đến từng đơn vị để tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, thợ lò và người lao động.
“Với ngành Than, người thợ mỏ luôn luôn biết nhìn thẳng vào những khó khăn. Do đó, phải nói thẳng, nói thật, nói rõ khó khăn, để thợ mỏ thấu hiểu tình hình, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vượt khó”– Chủ tịch HĐTV Trần Xuân Hòa khẳng định.
Ứng xử linh hoạt, giải pháp phù hợp
Từ đầu năm 2012, lãnh đạo Tập đoàn đã bám sát tình hình thực tiễn, ban hành Chỉ thị 65/CT- VINACOMIN; Công văn 3027/VINACOMIN-LĐLĐ; Công văn 3028/VINACOMIN-KH đưa ra những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành linh hoạt từng tháng, từng quý với mục tiêu duy trì sản xuất, việc làm và không để tồn kho tăng cao. Đảng ủy, Ban lãnh đạo điều hành và Công đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 151/NQLT tập trung chỉ đạo, tăng cường quản lý, triển khai các biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất- kinh doanh năm 2012 phân tích các hạn chế, bất cập, thiếu sót và đề xuất các biện pháp khắc phục.
“Tình hình khó khăn phải có cách ứng xử hợp với khó khăn. Trong đó, quan trọng nhất là khơi dậy được truyền thống kỷ luật- đồng tâm của công nhân vùng mỏ- truyền thống ngành than. Truyền thống này được phát huy đồng nghĩa với việc tập hợp được ý chí, sự đồng sức đồng lòng của CBCNV để vượt qua giai đoạn sóng gió trước mắt, chuẩn bị tốt cho kế hoạch những năm tiếp theo”– Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Mật cho biết thêm.
Với quyết tâm cao, các đơn vị thành viên sẵn sàng chia sẻ, tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, biện pháp chỉ đạo của Tập đoàn. Nhiều đơn vị còn tích cực, chủ động triển khai các chương trình tiết giảm chi phí, điều hành sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của công ty.
Nét đẹp người thợ mỏ
Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Mật, việc điều chỉnh tiêu thụ từ 45,5 triệu tấn than xuống 39 triệu tấn, đương nhiên doanh thu sẽ giảm, trong khi nhiều khoản chi phí vẫn phải thực hiện. Để đảm bảo không bị thua lỗ, Vinacomin đã đưa ra một loạt các giải pháp. Trong đó, quyết liệt hơn trong tiết giảm chi phí, rà soát cắt giảm các chương trình đầu tư không cần thiết, giãn đầu tư một số công trình. Quyết định giảm 15% hệ số bóc đất đá, tiết giảm chi phí trong các công đoạn tối thiểu 5%; tiết giảm tiền lương khối văn phòng từ 10- 20%. Riêng thợ lò không giảm tiền lương theo ngày công…
Giải pháp ký kết phối hợp kế hoạch sản xuất- kinh doanh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nội bộ Tập đoàn và sử dụng hàng Việt Nam cũng được tăng cường. Nếu như trước đây, việc sử dụng sản phẩm của nhau (máng cào, thiết bị điện, vật liệu nổ công nghiệp, dầu nhờn…) đã được thực hiện với các đơn vị trong Tập đoàn, thì nay, công tác này lại được thực hiện quyết liệt, ráo riết hơn, nhằm tạo điều kiện, tạo sự gắn kết, sẻ chia cùng có việc làm thu nhập.
Chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2012, nhiều đơn vị đã bắt đầu lên kế hoạch cho năm 2013. Nhìn lại những khó khăn của năm 2012, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn cũng không còn quá căng thẳng bởi: “Năm 2012 khó khăn nhiều hơn so với năm 1998- 1999, nhưng hoàn toàn không có những cú sốc về tổ chức, tư tưởng, không gây xáo trộn cho xã hội, không làm mất an ninh trật tự cho vùng mỏ Quảng Ninh”.
Một năm nhiều khó khăn, thách thức – nhưng bài học mà ngành Than rút ra được cũng thật lớn. Nói như Chủ tịch HĐTV Trần Xuân Hòa: “Khó khăn của ngành Than hôm nay là dịp để chúng ta nhìn lại và chấn chỉnh hoạt động, chuẩn bị sức lực để bước tiếp những bước đi vững vàng hơn”
Nguồn:www.baocongthuong.com.vn