Trong thời gian vừa qua, công trình xây dựng mỏ than hầm lò Núi Béo tập trung vào thi công các hạng mục công trình xây lắp trục tải, tháp giếng và các thiết bị đồng bộ, đến nay, về cơ bản đã hoàn thành. Với việc đưa tháp giếng, trục tải vào vận hành, từ đầu tháng 6 này, mỏ hầm lò Núi Béo sẽ tiếp tục đào sâu giếng, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành đào 625 m trong năm nay. Ðây là mỏ hầm lò giếng đứng đầu tiên của ngành than, do các đơn vị trong ngành tự thiết kế và thi công, trong đó một số hạng mục yêu cầu kỹ thuật cao có sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài. Dưới đây là bài viết được đăng trên báo Nhân dân. Imsat.vn xin đăng lại, phản ánh sự quan tâm của xã hội đối với công trình này. Ảnh minh họa trong bài của Imsat.vn, sử dụng nguồn do các đồng nghiệp ở Công ty CP than Núi Béo cung cấp.
Trong thời gian vừa qua, công trình xây dựng mỏ than hầm lò Núi Béo tập trung vào thi công các hạng mục công trình xây lắp trục tải, tháp giếng và các thiết bị đồng bộ, đến nay, về cơ bản đã hoàn thành. Với việc đưa tháp giếng, trục tải vào vận hành, từ đầu tháng 6 này, mỏ hầm lò Núi Béo sẽ tiếp tục đào sâu giếng, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành đào 625 m trong năm nay. Ðây là mỏ hầm lò giếng đứng đầu tiên của ngành than, do các đơn vị trong ngành tự thiết kế và thi công, trong đó một số hạng mục yêu cầu kỹ thuật cao có sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài.
Dưới đây là bài viết được đăng trên báo Nhân dân. Imsat.vn xin đăng lại, phản ánh sự quan tâm của xã hội đối với công trình này. Ảnh minh họa trong bài của Imsat.vn, sử dụng nguồn do các đồng nghiệp ở Công ty CP than Núi Béo cung cấp.
Dự án mỏ Núi Béo được chính thức khởi công ngày 3/2/2012, công suất thiết kế hai triệu tấn than nguyên khai/năm, khai thông mở vỉa bằng cặp giếng đứng xuống đến mức âm 410 m, chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong khai thác. Viện Khoa học công nghệ Mỏ được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giao làm tổng thầu tư vấn thiết kế, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 làm tổng thầu thi công. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Mỏ cho biết: Các công đoạn sản xuất của mỏ Núi Béo sẽ được cơ giới hóa đến mức cao nhất, sử dụng giàn chống Vinaalta và máy khấu, giá khung di động, cột thủy lực đơn, máy đào lò com-bai, xe khoan tam-rốc; vận tải than liên tục bằng băng tải, máng cào,… Ngành Than kỳ vọng đây sẽ là “bước ngoặt công nghệ” tạo tiền đề nâng cao trình độ quản lý của cán bộ, tay nghề công nhân đào lò, cũng như công nghệ chế tạo thiết bị của các đơn vị cơ khí và làm cơ sở cho việc sau này tự triển khai các dự án than hầm lò trọng điểm khác.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Than Núi Béo Vũ Anh Tuấn, giếng đứng chính được đào từ mặt bằng sân công nghiệp (mức 35 m) xuống mức âm 410 m, đường kính giếng 6 m, diện tích đào 40 m2, chiều dày vỏ chống bê-tông cốt thép liền khối 0,6 m, được trang bị thùng skip vận chuyển than. Giếng đứng phụ cũng được đào từ mặt bằng sân công nghiệp xuống mức âm 370 m, tương tự như giếng đứng chính. Từ khu vực phân tầng, sẽ xây dựng hệ thống sân ga, các đường lò xuyên vỉa, chuẩn bị các lò chợ tại các mức âm 140 m, âm 350 m. Khai trường mỏ được phân thành năm khu khai thác, được thiết kế sáu lò chợ, trong đó có hai lò chợ cơ giới hóa đồng bộ khấu than bằng máy com-bai kết hợp giàn chống tự hành, công suất 400 – 600 nghìn tấn/năm,… Trình tự khai thác của các lò chợ được thiết kế khấu giật từ biên giới khai trường các khu về trung tâm và bố trí khai thác trên cơ sở tận dụng tối đa tài nguyên.
Do tính chất quan trọng của dự án, Vinacomin đã thành lập Ban chỉ đạo dự án và phân công các đơn vị thực hiện, nhằm đạt hiệu quả cao và hạn chế thấp nhất rủi ro. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã và đang triển khai bài bản từng bước công việc để thi công bảo đảm tiến độ, phấn đấu ra lò những tấn than đầu tiên vào năm 2015. Dự kiến đến năm 2017, mỏ hầm lò Núi Béo sẽ hoàn thành, đóng góp sản lượng hai triệu tấn/năm cho ngành Than. Tổng Giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh: Ðây là dự án trọng điểm của Tập đoàn, mở vỉa bằng giếng đứng đầu tiên do Vinacomin tự tổ chức thiết kế và thi công. Dự án này sẽ có nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình quản lý, tổ chức thi công cũng như vận hành. Chủ đầu tư, nhà thầu phải hợp tác chặt chẽ, học hỏi kinh nghiệm các đơn vị bạn và chuyên gia trong và ngoài nước để tự khẳng định mình. Tập đoàn yêu cầu dự án phải đạt các chỉ tiêu: An toàn cao nhất, Quản lý tốt nhất, Chất lượng tốt nhất, Tiến độ nhanh nhất và Môi trường an ninh xã hội tốt nhất. Sau khi hoàn thành dự án, Tập đoàn sẽ có một đội ngũ tư vấn, xây lắp mỏ tốt, tạo nền tảng vững chắc để phát triển các mỏ than hầm lò của Việt Nam đi sâu hơn, xa hơn, đủ năng lực đáp ứng chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới.
Phó Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 Lê Trung Toán cho biết: Chỉ một tháng sau khi khởi công, đơn vị đã đổ mẻ bê-tông đầu tiên bằng thiết bị phun bê-tông tươi vào phần cốt thép đã định vị sẵn để tạo thành vỏ chống giếng đứng bằng bê-tông cốt thép liền khối, liên tục. Hiện tại, cả hai giếng đã thi công xong đoạn độ mở công nghệ sâu 57 m. Sau khi tiếp nhận các thiết bị, trong vòng hơn một tháng, Công ty đã lắp đặt xong hai tháp, mỗi tháp nặng khoảng 170 tấn, cao 22 m; lắp đặt và đưa sàn công tác xuống đáy giếng; lắp hệ sàn cốt “0”, các tời bên giếng, hệ thống dỡ tải đất đá,… với tổng trọng lượng khoảng 1.500 tấn.Việc lắp đặt tháp giếng và tời hết sức phức tạp, bốn góc với nhau chỉ được phép sai số vài mm. Ðể đưa sàn pu-li (kích thước 8 m x 8 m, nặng 23 tấn) lên đỉnh tháp, các kỹ sư, công nhân của Công ty đã sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, lắp đặt luôn dưới mặt đất, đưa lên bằng cẩu 220 tấn, bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, được các chuyên gia U-crai-na đánh giá rất cao. Thời điểm khó khăn nhất đã qua, công việc hiện tại tương đối thuận lợi.
Ngày 2/5 vừa qua, sau quá trình chuyển giao công nghệ, thiết bị, Công ty đã khoan nổ mìn để mở khám lắp đặt cốt-pha. Dự kiến đầu tháng 6 này sẽ tiếp tục triển khai đào lò, đào đến đâu sẽ đổ bê-tông đến đó, phấn đấu hoàn thành 625 m trong năm nay. Chuyên gia Vla-đi-mia Va-lô-đi-a người U-crai-na tỏ vẻ rất thán phục: Các kỹ sư, công nhân Việt Nam thông minh lắm, tuy kỹ thuật đào lò giếng đứng còn mới mẻ nhưng nhiều người nắm bắt kỹ thuật rất nhanh. Ðiều cản trở lớn nhất là hai bên bất đồng ngôn ngữ, các ý tưởng đều phải nhờ phiên dịch cho nên đôi lúc không hiểu nhau.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Than, trong đó xác định công tác đầu tư xây mới các mỏ hầm lò hiện đại có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất than phục vụ nền kinh tế đất nước. Theo quy hoạch, sản lượng than thương phẩm sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 65 triệu tấn (năm 2020) và 75 triệu tấn (năm 2030), trong đó, sản lượng hầm lò chiếm tỷ lệ lớn. Vinacomin chủ trương phát triển ngành Than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng. Các mỏ than đã có những bước tiến mạnh mẽ về khoa học – công nghệ trong khai thác và đào lò.
Sau năm 2015, mỏ Núi Béo sẽ dừng khai thác lộ thiên và chuyển sang hầm lò. Dự án mỏ hầm lò Núi Béo được lãnh đạo Vinacomin đặc biệt quan tâm, xúc tiến đẩy nhanh tiến độ để kịp gối đầu, duy trì sản lượng của Công ty trong những năm tới. Tiếp xúc với một số công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1, chúng tôi thấy họ rất tự tin khi bắt tay vào công việc mới mẻ này. Là đơn vị được Vinacomin giao nhiệm vụ chuyên môn hóa trong lĩnh vực đào lò, Công ty đang tích cực đầu tư công nghệ và đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân để có thể đảm đương những công trình quan trọng. Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục giao Công ty đào cặp giếng đứng thuộc dự án khai thác mỏ hầm lò Khe Chàm II-IV, công suất 3,5 triệu tấn/năm, do Công ty Than Hạ Long làm chủ đầu tư. Ðây là dự án có quy mô lớn, nguồn vốn gần 12.600 tỷ đồng, sẽ khai thông xuống mức âm 500 m và dưới âm 500 m. Mỏ này sẽ có công nghệ tương đương các mỏ hiện đại của châu Âu, cơ giới hóa đến mức cao nhất các công đoạn sản xuất. Sau Hà Lầm, Núi Béo và Khe Chàm II – IV, sẽ có thêm một số mỏ khác thi công giếng đứng, hiện đang trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án.
Tuy đã đạt một số kết quả bước đầu, song hơn 20 năm qua, Vinacomin vẫn chưa đạt đến trình độ cao trong áp dụng khoa học – công nghệ vào đào lò và khai thác. Trong quá trình thử nghiệm cơ giới hóa khai thác tại một số mỏ, gần nửa thời gian khai thác bị cản trở do các sự cố gây ách tắc sản xuất. Ðể các lò chợ cơ giới hóa hoạt động liên tục, công tác đào lò cần được đầu tư đồng bộ. Thế nhưng, tiến độ đào lò ở nhiều mỏ còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về diện sản xuất và ảnh hưởng kế hoạch sản lượng của các công ty. Ðây chính là rào cản khiến hàm lượng công nghệ trong khai thác than còn thấp. Các chuyên gia trong ngành đánh giá, phát triển bền vững của ngành Than chỉ có thể thực hiện bằng cách đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất. Ngoài việc đề nghị Nhà nước có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu thiết kế, nội địa hóa các thiết bị cơ khí, Vinacomin cần huy động nguồn vốn đầu tư xã hội hiện đại hóa các mỏ than, từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò.
Theo chủ trương, ngành Than sẽ chuyển hướng từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, phát triển theo chiều sâu. Các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh sẽ chuyển sang khai thác hầm lò, giúp tận thu nguồn tài nguyên và bảo đảm môi trường. Ðể duy trì và phát triển theo hướng hiện đại, các đơn vị trong Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp. Những người thợ “thiện chiến” của Hầm lò 1, bằng con tim, khối óc và sự sáng tạo của mình đã và đang tạo “bước ngoặt” cho ngành Than qua việc đào lò giếng đứng.
Nguồn: Vinacomin.vn