Lãnh đạo Tập đoàn làm việc với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ về chương trình KHCN

 Ngày 13/12/2012, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Đặng Thanh Hải đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin nhằm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2012 và thống nhất chương trình hoạt động khoa học công nghệ trong năm 2013.

Ngày 13/12/2012, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Đặng Thanh Hải đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin nhằm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2012 và thống nhất chương trình hoạt động khoa học công nghệ trong năm 2013.

Tại buổi làm việc TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng đã báo cáo kết quả thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp trong năm 2012, kế hoạch thực hiện trong năm 2013, đặc biệt là nhiệm vụ tiếp tục triển khai nghiên cứu áp dụng một số sơ đồ công nghệ cơ giới hóa khai thác mỏ hầm lò.

– Về tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2012, đến nay cơ bản đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ các đề tài, nhiệm vụ KHCN các cấp.

– Về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong năm 2013, Viện đã đăng ký hồ sơ tham gia tuyển chọn nhiệm vụ KHCN năm 2013 thuộc “Chương trình KH&CN trọng điểm công nghệ khai khoáng và chế biến khoáng sản” và đã được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, gồm 02 đề tài, 02 dự án SXTN cấp Nhà nước và 10 đề tài cấp Bộ Công Thương.

– Về kế hoạch triển khai áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác hầm lò giai đoạn 2013-2015, trên cơ sở kết quả áp dụng thử nghiệm thử nghiệm cơ giới hóa khai thác tại các mỏ Khe Chàm (vỉa thoải, khai thác 1 lớp), Vàng Danh, Nam Mẫu (vỉa dày thoải, khai thác lớp trụ hạ trần), Mạo Khê, Hồng Thái (vỉa mỏng dốc, khai thác cột dài theo hướng dốc) trong những năm qua, Báo cáo đã tổng hợp kết quả đã đạt được đồng thời phân tích nguyên nhân hạn chế các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật trong việc áp dụng cơ giới hóa khai thác.

Từ những phân tích, đánh giá trên, trên cơ sở kết quả đánh giá điều kiện địa chất, tổng hợp trữ lượng các vỉa than có khả năng áp dụng cơ giới hóa khai thác tại một số khoáng sàng vùng Quảng Ninh, Viện đề xuất nghiên cứu và triển khai áp dụng một số sơ đồ công nghệ cơ giới hóa cơ bản như sau:

1. Sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo phương, khấu toàn bộ chiều dày vỉa, áp dụng khai thác điều kiện vỉa mỏng đến dày trung bình, dốc đến 450;

2. Sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo phương, khấu lớp trụ hạ trần thu hồi than nóc, áp dụng khai thác điều kiện vỉa dày, dốc đến 350;

3. Sơ đồ công nghệ khai thác chia lớp nghiêng, khai thác lớp vách, lớp trụ hạ trần than lớp giữa, áp dụng khai thác điều kiện vỉa dày, dốc đến 350, vách sập đổ trung bình đến khó sập đổ;

4. Sơ đồ công nghệ cơ giới hóa khai thác lò dọc vỉa phân tầng sử dụng máy combai đào lò kết hợp với nổ mìn trong lỗ khoan dài, sử dụng kíp vi sai phi điện để nâng chiều cao phân tầng khai thác, áp dụng khai thác điều kiện vỉa dốc trên 450;

5. Công nghệ khai thác lò dọc vỉa phân tầng kết hợp máy khoan đường kính lớn, áp dụng khai thác điều kiện vỉa dày trung bình, dốc trên 450;

6. Sơ đồ công nghệ cơ giới hóa khai thác chia lớp bằng, áp dụng cho các khu vực vỉa dày trên 10m, dốc trên 450;

7. Sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo hướng dốc, sử dụng tổ hợp dàn chống 2ANSH cho các vỉa mỏng, dốc đứng.

Trong thời gian trước mắt, đề xuất nghiên cứu triển khai áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác tại một số khu vực có khả năng áp dụng, bao gồm:

– Lò chợ vỉa 9 mức +125/+200, cánh Bắc – Nam Mẫu (vỉa dày 1,7m, dốc 250, dài 500m theo phương), có thể áp dụng năm 2013;

– Lò chợ vỉa 7 mức 0/+50 khu giếng Vàng Danh (vỉa dày 7,8m, dốc 150, dài 400m theo phương), có thể áp dụng năm 2013;

– Lò chợ vỉa 11 khu VII, mức -275/-300 (vỉa dày 11,7m, dốc 160) và lò chợ vỉa 7 khu I (vỉa dày 11,5 m, dốc 170, theo phương dài 1000m) thuộc Công ty than Hà Lầm, thời gian có thể áp dụng tương ứng vào năm 2014 và 2015;

–  Lò chợ vỉa 12 khu Trung tâm (vỉa dày 2,3m, dốc 150, theo phương dài 550 m và lò chợ vỉa 14 mức -50/+38 khu trung tâm (vỉa dày 5,5m, dốc 130, theo phương dài 425m) thuộc Công ty than Dương Huy, có thể áp dụng năm 2014;

– Vỉa 7 mức 0/+50 khu Nam – Ngã Hai, Quang Hanh (vỉa dày 1,6m, dốc 200), có thể áp dụng năm 2013;

– Lò chợ vỉa 6B mức -140/-35, khu Lộ Trí – Thống Nhất (vỉa dày 14,3m, dốc 220, theo phương dài 480m), có thể áp dụng năm 2013.

Bên cạnh đó, báo cáo của Viện cũng đề xuất nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu áp dụng cơ giới hóa đào lò đá, gương hỗn hợp than, đá, cơ giới hóa trong chống neo, bê tong phun nhằm tăng tốc độ và năng suất đào lò tại các mỏ Khe Chàm, Mông Dương, Dương Huy, Hà Lầm, Vàng Danh, Nam Mẫu, …

Để có thể mở rộng áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã đề xuất một số kiến nghị sau:

1.  Đẩy mạnh công tác thăm dò bổ sung, thăm dò tỉ mỉ để có cơ sở đánh giá chính xác trữ lượng than có khả năng áp dụng cơ giới hóa khai thác, nâng cao mức độ tin cậy phần trữ lượng các khu vực trong kế hoạch khai thác đến năm 2020;

2. Xây dựng trung tâm bảo trì và bảo dưỡng thiết bị, phục vụ bảo trì, sửa chữa lớn các thiết bị cơ giới hóa, đồng thời là nơi đào tạo thợ cơ khí có tay nghề cao. Bên cạnh đó mỗi mỏ phải chủ động lập các xưởng sửa chữa nhỏ để hạn chế ách tắc sản xuất;

3. Đẩy mạnh phát triển chế tạo cơ khí trong nước nhằm từng bước làm chủ quá trình từ thiết kế đến chế tạo các thiết bị mỏ nói chung và các thiết bị phục vụ cơ giới hóa khai thác, đào lò nói riêng, giảm phụ thuộc nhập ngoại;

4. Từ thực tế áp dụng cơ giới hóa khai thác cho thấy, trong điều kiện hiện nay việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác có giá thành cao hơn so với đào lò và khai thác thủ công. Do vậy để bù đắp vốn đầu tư và chi phí sản xuất, Tập đoàn cần tạo cơ chế về giá thành hợp lý và trợ giá khuyến khích các đơn vị áp dụng cơ giới hóa.

5. Huy động tối đa vốn đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài Tập đoàn cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ của Tập đoàn, của các đơn vị tư vấn nghiên cứu với các đơn vị khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển áp dụng cơ giới hóa.

Phó Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải thay mặt lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận những đóng góp của Viện trong việc phát triển khoa học công nghệ của Tập đoàn nói chung và triển khai áp dụng cơ giới hóa khai thác, đào lò nói riêng. Đối với những đề xuất, kiến nghị của Viện, lãnh đạo Tập đoàn sẽ nghiên cứu và sớm có kết luận./.

Các mục khác