Đẩy mạnh chống lò bằng vì neo ở những điều kiện phù hợp

Trong các công nghệ chống lò, việc chống lò bằng vì neo đảm bảo tiết kiệm vật tư và thi công nhanh nhất. Tuy nhiên, chống lò bằng vì neo phụ thuộc cơ bản vào điều kiện địa chất, khu vực đất đá phải ổn định, phân lớp rõ ràng…

Thực tế, việc áp dụng chống lò bằng vì neo tại các mỏ hầm lò đã được Tập đoàn triển khai thực hiện trên 10 năm nay. Tập đoàn cũng đã ban hành và áp dụng nhiều cơ chế nhằm khuyến khích các đơn vị chống lò bằng vì neo. Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng đã có nhiều đơn vị nghiên cứu, tổ chức chống lò bằng vì neo hiệu quả từ nhiều năm qua như: Mông Dương (năm 1989); Mạo Khê, Vàng Danh (năm 1994); Dương Huy (từ năm 1999-2001); Khe Chàm, Quang Hanh (năm 2009); Nam Mẫu, Hà Lầm (2013)… Lực lượng cán bộ kỹ thuật các đơn vị đã cơ bản có đủ trình độ, năng lực để thiết kế, chỉ đạo, giám sát việc thi công chống lò bằng vì neo. Tính từ năm 1995 đến năm 2014, toàn Tập đoàn đã có 21.620 mét lò được chống bằng vì neo, trong đó lò XDCB có 6.891m và lò CBSX là 14.639m. Đặc biệt trong quý I/2015 đã có một số đơn vị trong Tập đoàn thực hiện áp dụng khá tốt kế hoạch đào chống lò vì neo như: Than Quang Hanh 160/200m (đạt 80% KH năm), Than Mạo Khê 136/275m (đạt 49,5%KH năm), Than Hà Lầm 105/450m (đạt 23,3%KH năm)…

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công nghệ chống neo, các đơn vị đều cho rằng, trong việc hoạch định các khu vực chống neo gặp khó khăn do công tác thăm dò địa chất chi phí khá tốn kém. Ngoài ra, cũng có những khó khăn như về điều kiện thi công neo, về đồng bộ thiết bị, máy khoan neo, máy ném khí di động, dụng cụ còn thiếu đồng bộ…

Về vấn đề này, T.S Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho rằng, cơ chế của Tập đoàn là khuyến khích chống lò bằng vì neo áp dụng thông qua đơn giá chống lò bằng vì neo được khuyến khích tăng. Thông qua đó, các đơn vị cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng chống lò bằng vì neo ở mức cao nhất trong các điều kiện cho phép; xem xét đầu tư đồng bộ thiết bị thi công neo, trong đó các đơn vị tư vấn cần phối hợp với các mỏ để lựa chọn thiết bị phù hợp. Các đơn vị cần phối hợp với các đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu điều kiện áp dụng, thiết kế, quy trình công nghệ chống neo; đảm bảo thi công đúng quy trình; những vướng mắc gặp phải trong thực tế triển khai, các đơn vị cần phản ánh kịp thời cho lãnh đạo Tập đoàn để khắc phục.

Mới đây, làm việc với các đơn vị về việc tăng cường áp dụng công nghệ chống lò bằng vì neo, đồng chí Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn nhấn mạnh, theo định hướng phát triển của ngành Than, do sản lượng khai thác hầm lò ngày càng tăng nên số lượng mét đào lò cũng ngày một lớn. Nếu như năm 2014 mét lò đào toàn Tập đoàn là 175.000m thì năm 2015 tăng lên gần 300.000 mét. Việc áp dụng các công nghệ mới trong đào lò là rất cần thiết, trong đó công nghệ đào chống lò bằng vì neo sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ đào lò, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo an toàn cho người lao động. Về cơ chế, Ban lãnh đạo điều hành Tập đoàn sẽ tiếp tục có cơ chế phù hợp để khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh áp dụng công nghệ chống lò bằng vì neo.

Để việc triển khai áp dụng công tác đào chống vì neo trong hầm lò được phổ biến tại các đơn vị trong Tập đoàn, thiết nghĩ, các đơn vị cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận, chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất đầu tư thiết bị công nghệ; rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện quy trình công nghệ; có kế hoạch đào tạo, tập huấn xây dựng nguồn nhân lực tiếp cận công nghệ để đưa công nghệ đào chống lò bằng vì neo vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.

Các mục khác