Ngày 26/5/2015, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức cuộc họp, rà soát và đề xuất các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương năm 2016.
Dưới sự chủ trì của TS. Trần Tú Ba, Viện trưởng, tham dự cuộc họp gồm toàn thể Ban lãnh đạo Viện, Phó Viện trưởng, TS. Trương Đức Dư, ThS. Hoàng Minh Hùng, TS. Lưu Văn Thực, TS. Đào Hồng Quảng, cùng trưởng các phòng chuyên môn và Phó Giám đốc Trung tâm An toàn mỏ.
Việc đề xuất các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp luôn được Lãnh đạo Viện quan tâm, chỉ đạo. Ngay từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, các bộ môn, các đơn vị trong Viện đã được giao nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất các đề tài, dự án KHCN cho năm 2016 và những năm tiếp theo.
Trong buổi họp hôm nay, các đơn vị, bộ môn trong Viện đã đưa ra một danh mục gồm nhiều đề tài khoa học công nghệ đề xuất với Bộ Công Thương, cho năm 2016. Trong số đó, nhóm các đề tài về khai thác hầm lò, đề xuất nghiên cứu lựa chọn vật liệu chèn lò hợp lý trong công nghệ khai thác điều khiển đá vách bằng chèn lò; hoàn thiện công nghệ khoan nổ mìn tạo biên trong thi công đào giếng đứng; Nghiên cứu tính toán, thiết kế các vì chống để chống giữ các đường lò tiết diện lớn bằng vì chống thép chữ V trong các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh…. Trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, đề xuất nghiên cứu giải pháp nâng cao độ ổn định cho bờ mỏ trong tầng đất đá bở rời mỏ sắt Thạch Khê; nghiên cứu công nghệ bóc đất đá hợp lý đối với các bờ trụ mỏ lộ thiên bị trượt lở đảm bảo an toàn cho các công trình trên mặt; nghiên cứu áp dụng công nghệ vận tải đất đá bằng băng tải dốc cho các mỏ than lộ thiên sâu. Trong lĩnh vực tuyển, chế biến than, khoáng sản là các đề tài: nghiên cứu công nghệ tuyển than don xô vùng Quảng Ninh bằng thiết bị tuyển xoáy lốc huyền phù 3 sản phẩm; Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng titan-zircon trong tầng cát đỏ khu Lương Sơn – Bình Thuận. Trong lĩnh vực an toàn, môi trường mỏ là các đề tài: Nghiên cứu, xác định độ thẩm thấu khí của vỉa than tại một số mỏ hầm lò khu vực Quảng Ninh phục vụ việc lựa chọn công nghệ tháo khí mêtan; Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm nano sắt để xử lý nước thải có hàm lượng kim loại nặng cao. Nhóm các đề tài nghiên cứu áp dụng tự động hóa mỏ với những đề xuất: Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ điều khiển tự động tốc độ băng tải theo tải thực tế tại các dây chuyển tuyển và nhà máy tuyển; nghiên cứu đề xuất giải pháp điều khiển tự động hệ thống quạt gió chính nhằm tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn trong khai thác than hầm lò vùng Quảng Ninh… Trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị mỏ là các đề tài: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo đầu đo khí SC-CO2; SC-O2 và SC-H2, máy đo gió trong các hệ thống quan trắc khí mỏ tự động; Nghiên cứu thiết kế, lập bản vẽ chế tạo băng tải khung cáp nhịp dài trong ngành mỏ; Nghiên cứu thiết kế, lập bản vẽ chế tạo thiết bị cơ giới phục vụ lắp đặt vì chống nhằm nâng cao tốc độ đào lò xây dựng cơ bản…
Sau khi xem xét, 16 đề tài đã được lựa chọn đề xuất lên Bộ Công Thương cho kế hoạch khoa học công nghệ của Bộ năm 2016./.