Ngày 1.10.2015, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị xét chọn đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ năm 2016 do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đề xuất thực hiện.
Hội đồng khoa học xét chọn đề tài khoa học công nghệ được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương, gồm 9 thành viên, do GS.TSKH. Lê Như Hùng, Bộ môn hầm lò, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ – Địa chất làm Chủ tịch.
Tại Hội nghị, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, đã trình bày mục tiêu, tính cấp thiết và nội dung chính của 10 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ mà Viện đề xuất trong một số lĩnh vực như khai thác hầm lò, lộ thiên, tuyển chế biến khoáng sản, chế tạo máy, thiết bị mỏ, cơ điện, tự động hoá mỏ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, môi trường mỏ.
– Đối với lĩnh vực hầm lò, Viện đề xuất 03 đề tài bao gồm:
– “Nghiên cứu lựa chọn vật liệu chèn hợp lý trong công nghệ chèn lò phục vụ khai thác hầm lò vùng Quảng Ninh”. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: TS. Đào Hồng Quảng
Mục tiêu:
Đề xuất được thành phần vật liệu chèn hợp lý trong công nghệ khai thác điều khiển vách bằng phương pháp chèn lò phục vụ công tác khai thác hầm lò nhằm bảo vệ các công trình trên mặt tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.
Nội dung chính:
– Phân tích, đánh giá nguồn cung cấp vật liệu chèn tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh
– Nghiên cứu tính chất cơ lý của vật liệu chèn và khả năng bảo vệ bề mặt địa hình.
– Nghiên cứu đề xuất thành phần vật liệu chèn hợp lý trong công nghệ khai thác chèn lò tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.
– Thiết kế giải pháp công nghệ chèn lò cho một điều kiện mỏ cụ thể.
– “Nghiên cứu tính toán, thiết kế các vì chống để chống giữ các đường lò tiết diện lớn bằng vì chống thép chữ V trong các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: Lê Văn Công
Mục tiêu:
Thay thế vì chống lò tiết diện lớn hiện tại bằng loại kết cấu chống phù hợp đảm bảo khả năng chịu lực và thuận tiện trong thi công.
Nội dung chính:
– Hiện trạng chống giữ các đường lò tiết diện lớn tại các mỏ vùng Quảng ninh.
– Đánh giá mức độ áp lực xuất hiện trong các dạng đường lò này.
– Nghiên cứu, tính toán, thiết kế vì chống thép tiết diện chữ V đối với đường lò diện tích tiết diện (20-40m2) tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh.
– “Nghiên cứu lựa chọn phương pháp khoan nổ mìn tạo biên nhằm giảm hệ số thừa tiết diện khi thi công giếng đứng chống bằng vỏ chống bê tông liền khối trong điều kiện các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: TS. Trịnh Đăng Hưng
Mục tiêu:
Giảm hệ số thừa tiết diện, giảm chi phí bê tông liền khối cho vỏ chống, nâng cao hiệu quả nổ mìn khi thi công giếng đứng mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.
Nội dung chính:
– Đánh giá hiện trạng thi công khoan nổ mìn giếng đứng vùng Quảng Ninh.
– Phân tích đánh giá các nhóm yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới hệ số thừa tiết diện và hiệu quả khoan nổ mìn.
– Nghiên cứu các phương pháp nổ mìn tạo biên trong các điều kiện đất đá khác nhau nhằm giảm hệ số thừa tiết diện, nâng cao được hiệu quả khoan nổ mìn và giảm chi phí vỏ chống bê tông liền khối.
– Đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ thích hợp nhằm giảm hệ số thừa tiết diện, giảm chi phí vỏ chống bê tông liền khối cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.
– Đối với lĩnh vực khai thác lộ thiên, Viện đề xuất 02 đề tài:
– “Nghiên cứu công nghệ bóc đất đá hợp lý đối với các bờ trụ mỏ lộ thiên bị trượt lở đảm bảo an toàn cho các công trình trên mặt’’. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: TS. Lưu Văn Thực
Mục tiêu:
– Lựa chọn công nghệ bóc đất bờ trụ hợp lý, nhằm nâng cao ổn định bờ mỏ và an toàn cho các công trình trên mặt.
Nội dung chính:
– Tổng quan về Công nghệ khai thác đối với các khu vực bờ mỏ bị trượt lở;
– Nghiên cứu, phân tích điều kiện tự nhiên và kỹ thuật ảnh hưởng đến quá trình khai thác ở các khu vực bờ trụ mỏ lộ thiên bị trượt lở.
– Nghiên cứu các công nghệ khai thác có thể áp dụng đối với các khu vực bờ mỏ trượt lở.
– Lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý đối với các khu vực bờ trụ bị trượt lở.
– Tính toán thử cho 1 mỏ cụ thể
– “Nghiên cứu khả năng áp dụng công nghệ vận tải đất đá bằng băng tải dốc cho các mỏ than lộ thiên Việt Nam”. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đỗ Ngọc Tước
Mục tiêu:
Giảm chi phí sản xuất tăng hiệu quả khai thác mỏ
Nội dung chính:
– Khảo sát, đánh giá tình hình vận tải đất đá tại các mỏ than lộ thiên Việt Nam
– Tổng quan kinh nghiệm sử dụng băng tải dốc các mỏ lộ thiên sâu có điều kiện tương tự
– Nghiên cứu các yếu tố tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế ảnh hưởng tới công nghệ vận tải bằng băng tải dốc tại các mỏ than lộ thiên
– Nghiên cứu khả năng sử dụng công nghệ vận tải đất đá bằng băng tải dốc cho các mỏ than lộ thiên Việt Nam
– Tính toán thử cho mỏ Khánh Hòa.
– Đối với lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Viện đề xuất 01 đề tài:
– “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ điều khiển tự động tốc độ băng tải theo tải thực tế tại các dây chuyển tuyển và nhà máy tuyển’’. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: ThS Vũ Thế Nam
Mục Tiêu:
Đề xuất giải pháp tự động hóa điều khiển tốc bộ băng tải theo tải thực tế nhằm tiết kiệm điện.
Nội dung chính:
– Nghiên cứu tổng quan công nghệ điều khiển tự động tuyến băng tải trong và ngoài nước;
– Nghiên cứu đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tuyến băng tải tại nhà máy tuyển và dây chuyền tuyển trong tập đoàn TKV;
– Nghiên cứu đề xuất giải pháp và thiết kế chế tạo bộ điều khiển tự động tốc độ băng tải theo tải thực tế cho một tuyến băng trong Tập đoàn TKV;
– Nghiên cứu đánh giá kết quả thử nghiệm bộ điều khiển tự động tốc độ băng tải theo tải thực tế tại hiện trường. Phân tích hiệu quả kinh tế mang lại.
– Đối với lĩnh vực cơ điện, tự động hoá mỏ, Viện đề xuất 01 đề tài:
-“Nghiên cứu thiết kế, chế tạo đầu đo khí SC-CO2; SC-O2 và SC-H2 nhằm thay thế các thiết bị nhập ngoại’’. Thời gian thực hiện 12 tháng.
Mục tiêu:
Chế tạo đầu đo SC-CO2; SC-O2 và SC-H2 thế đầu đo nhập ngoại nhằm giảm chi phí đầu tư cho các mỏ than hầm lò của TKV.
Nội dung chính:
– Nghiên cứu kinh nghiệm sử dụng đầu đo khí SC-CO2; SC-O2 và SC-H2 ở trong và ngoài nước.
– Nghiên cứu lựa chọn giải pháp chế tạo đầu đo khí SC-CO2; SC-O2 và SC-H2 thay thế sản phẩm nhập ngoại và tương thích với các hệ thống đo khí tự động hiện tại được lắp đặt ở các mỏ than hầm lò của TKV.
– Thiết kế, chế tạo, kiểm định, chạy thử thiết bị.
– Đánh giá độ chính xác, khả năng tương thích với các hệ thống đo khí tự động đã được lắp đặt ở TKV.
– Đối với lĩnh vực chế tạo máy, thiết bị mỏ, Viện đề xuất 01 đề tài:
– “Nghiên cứu thiết kế, lập bản vẽ chế tạo thiết bị cơ giới phục vụ lắp đặt vì chống nhằm nâng cao tốc độ đào lò xây dựng cơ bản’’. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: TS. Tạ Đình Hùng
Mục tiêu:
Thiết kế thiết bị cơ giới hóa phục vụ công tác lắp đặt vì chống nhằm tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong công tác đào lò xây dựng cơ bản.
Nội dung chính:
– Nghiên cứu tổng quan tình hình sử dụng thiết bị và công tác đào lò xây dựng cơ bản.
– Nghiên cứu sơ đồ nguyên lý và thiết kế tính toán.
– Lập bản vẽ chế tạo chế tạo thiết bị cơ giới phục vụ lắp đặt vì chống.
– Đối với lĩnh vực tuyển, chế biến than, khoáng sản, Viện đề xuất 01 đề tài:
– “Nghiên cứu công nghệ tuyển than don xô vùng Quảng Ninh bằng thiết bị tuyển xoáy lốc huyền phù 3 sản phẩm”. Thời gian thực hiện 12 tháng.
Mục tiêu:
– Nâng cao chất lượng than don xô, tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nội dung chính:
– Tổng quan về tình hình nghiên cứu và áp dụng xoáy lốc huyền phù 3 sản phẩm để xử lý than trên thế giới và ở Việt Nam.
– Nghiên cứu đặc tính than don xô tại một số mỏ than vùng Quảng Ninh.
– Chế tạo và lắp đặt dây chuyền tuyển xoáy lôc huyền phù 3 sản phẩm quy mô thí nghiệm.
– Thí nghiệm tuyển than don xô trên dây chuyền tuyển xoáy lốc huyền phù 3 sản phẩm
– Tính toán xây dựng một dây chuyền tuyển nâng cao chất lượng than don xô bằng xoáy lốc huyền phù 3 sản phẩm tại một mỏ cụ thể ở vùng Quảng Ninh.
– Đối với lĩnh vực môi trường mỏ, Viện đề xuất 01 đề tài:
– “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm nano sắt để xử lý nước thải có hàm lượng kim loại nặng cao”. Thời gian thực hiện 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Quốc Thịnh
Mục tiêu:
Đánh giá khả năng và đề xuất được công nghệ ứng dụng chế phẩm nano sắt để xử lý kim loại nặng trong nước thải từ chế biến khoáng sản.
Nội dung chính:
– Tổng quan về ứng dụng công nghệ – kỹ thuật nano xửa lý nước thải có tính axit, hàm lượng kim loại năng cao ở trong nước và trên Thế giới.
– Khảo sát thực trạng nước thải và công nghệ xử lý nước thải trong các nhà máy luyện đồng chì kẽm.
– Nghiên cứu ứng dụng và đề xuất các giải pháp công nghệ, kỹ thuật sử dụng chế phẩm nano để xử lý nước thải có tính axit mạnh, hàm lượng kim loại nặng cao.
Hội đồng khoa học đã thống nhất trình Lãnh đạo Bộ Công Thương tuyển chọn các đề tài được đề xuất nêu trên.