Ngày 8/4/2016, Viện Khoa học Công nghệ mỏ làm việc với các chuyên gia Viện GIG (Ba Lan). Tham dự buổi làm việc, về phía Viện GIG có GS. TS. I.Eugenniusz Krause và TS. Jannusz Cygankiewiez. Về phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, dưới sự chủ trì của Viện trưởng TS. Trần Tú Ba, cùng tham dự buổi làm việc có TS. Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm An toàn mỏ, TS. Phùng Quốc Huy, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm An toàn mỏ, ThS. Lê Trung Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn mỏ, cùng một số trưởng, phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Viện có liên quan.
Như tin đã đưa, cùng ngày hôm nay, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn đã có buổi tiếp thân mật đoàn. Trong buổi tiếp, Chủ tịch Tập đoàn đã có những chỉ đạo cụ thể trong việc hợp tác giữa Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin với Viện GIG, khẩn trương hoàn thành dự án xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu xác định tính tự cháy của than.
Nội dung chính của buổi làm việc hôm nay giữa Viện Khoa học Công nghệ mỏ và đoàn chuyên gia của Viện GIG là thực hiện bước tiếp theo của Hợp đồng Chuyển giao công nghệ số: 01/2015/HĐCGCN-IMSAT-GIG, ngày 24/6/2015, đã ký giữa Viện Viện Khoa học Công nghệ mỏ-Vinacomin và Viện GIG (Ba Lan) về việc thực hiện gói thầu số 1: Mua công nghệ nghiên cứu khả năng tự cháy của than.
Tại buổi làm việc, Viện trưởng Trần Tú Ba đã đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa Viện Khoa học Công nghệ mỏ với Viện GIG trong những năm qua. Thông qua đó, cùng với việc hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm xác định tính tự cháy của than, trong thời gian tới Viện dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác với GIG về một số vấn đề khác, như khai thác than bằng công nghệ chèn lò, công tác kiểm định dàn chống tự hành…
Tiếp đó, hai bên đã thống nhất chương trình làm việc cụ thể của chuyến công tác này. Theo đó, theo chương trình làm việc đã thống nhất trước đó giữa hai bên, tại cuộc họp ngày 21/3/2016, trong việc thực hiện hợp đồng nói trên, từ ngày 8/4/2016 đến 19/4/2016, các chuyên gia sẽ thực hiện chương trình đào tạo chuyển giao công nghệ nghiên cứu xác định khả năng tự cháy của than, cho các cán bộ, chuyên gia của Trung tâm An toàn mỏ. Cũng trong chuyến công tác, hai bên thống nhất chương trình khảo sát thực tế và làm việc với Công ty than Hồng Thái, nơi đã từng xảy ra cháy nội sinh trong hầm lò.
Phát biểu trong buổi làm việc, các chuyên gia của Viện GIG đã bày tỏ lòng cám ơn về sự đón tiếp chu đáo của Viện, đồng thời xác định sẽ nhiệt tình trong việc chuyển giao công nghệ, cũng như truyền đạt các kinh nghiệm kiểm soát cháy nội sinh cho các chuyên gia Việt Nam trong chuyến công tác này.