Ngày 18/4/2016, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã có buổi làm việc với các chuyên gia của Viện GIG (Ba Lan). Tham dự buổi làm việc, về phía Viện GIG có GS. TS. I.Eugenniusz Krause và TS. Jannusz Cygankiewiez. Về phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, dưới sự chủ trì của Viện trưởng TS. Trần Tú Ba, cùng tham dự buổi làm việc có TS. Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm An toàn Mỏ, TS. Phùng Quốc Huy, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm An toàn Mỏ, ThS. Lê Trung Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn Mỏ, cùng một số trưởng, phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Viện có liên quan.
Như tin đã đưa, trong việc triển khai thác hiện Dự án “Đầu tư phòng thí nghiệm nghiên cứu khả năng tự cháy của than”, ngày 24 tháng 6 năm 2015, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin và Viện mỏ GIG (Ba Lan) đã ký Hợp đồng số 01/2015/HĐCGCN- IMSAT- GIG về việc đào tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm xác định khả năng tự cháy của than. Nội dung công nghệ được chuyển giao bao gồm: Kiến thức; Thiết bị công nghệ; Đào tạo, chuyển giao công nghệ phòng thí nghiệm.
Theo Hợp đồng này, Viện sẽ tiếp nhận đào tạo từ Viện mỏ GIG (Ba Lan). Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện qua 03 đợt đào tạo.
Đợt 1: Đào tạo 3 tuần (lý thuyết + thực hành) trong phòng thí nghiệm của GIG và tại các mỏ khai thác than đá của Ba Lan cho đối tượng các cán bộ chủ chốt của Dự án trong lĩnh vực: dự báo, giám sát và ngăn ngừa hiểm họa cháy nội sinh trong các mỏ than. Trong đợt đào tạo này, các chuyên gia của GIS đã tiến hành thí nghiệm, phân tích các mẫu than được lấy từ 10 vỉa than có lựa chọn tại các mỏ của Việt Nam để xây dựng mô hình chuẩn thoát khí khi than bị nung nóng bằng phương pháp xác định nhanh và phương pháp đầy đủ.
Đợt 2: Đào tạo cho các cán bộ, chuyên gia của Viện với các nội dung như: Các yếu tố quyết định tới mức độ hiểm họa cháy nội sinh trong khu vực lò chợ; Giới thiệu các khả năng sử dụng phương pháp mới về phát hiện sớm cháy nội sinh dựa trên các quy tắc xác lập cho các mỏ Việt Nam khi sử dụng phương pháp phát hiện sớm đám cháy nội sinh; Áp dụng phương pháp phát hiện sớm cháy nội sinh của Viện GIG vào các điều kiện mỏ của Việt Nam có tính đến cách thông gió lò chợ và biện pháp cách ly khu vực phá hỏa; Giới thiệu hiểm họa cháy nội sinh trong các mỏ than đá và khả năng áp dụng phương pháp phát hiện sớm cháy nội sinh trong các mỏ than Việt Nam; Tác động của hiểm họa mêtan trong khu vực lò chợ tới mức độ hiểm hoạ cháy nội sinh và hiểm họa nổ; Diễn giải mục đích thiết lập đường đặc tính mẫu về thoát khí trong quá trình than tự nóng do Viện mỏ GIG xác lập cho 10 mẫu than lấy từ các mỏ của Việt Nam; Giới thiệu bản hướng dẫn lấy mẫu khí phục vụ phương pháp mới về phát hiện sớm cháy nội sinh trong khu vực lò chợ và trong khu vực phá hỏa sau khi khai thác; Chọn giá trị giới hạn cho phép của chỉ số cháy trên cơ sở đường đặc tính mẫu độ tự thoát khí trong quá trình tự nóng của than từ 10 mẫu lấy từ các vỉa than của Việt Nam; Phòng ngừa hiểm họa cháy nội sinh trong các mỏ; Giới thiệu phương pháp mới về phát hiện sớm cháy nội sinh cho vỉa đã kết thúc khai thác, đang khai thác bằng phương pháp của GIG; Thảo luận về kết quả phân tích thí nghiệm thành phần khí của khu vực phá hỏa phục vụ phương pháp mới về phát hiện sớm cháy nội sinh (lấy khi đang khai thác lò chợ) và cách suy luận trên cơ sở đồ thị về mức độ hiểm họa cháy; Tác động của sự cố phân bố nồng độ khí mêtan trong vùng phá hỏa lò chợ thông gió bằng các cách khác nhau với sự hình thành vùng hiểm họa cháy nội sinh tiềm năng; Dự báo nguy cơ cháy trong các đường lò; Quan trắc và đánh giá hiểm họa cháy mỏ.
Theo đó, từ ngày 8/4/2016, đoàn chuyên gia Viện GIG đã sang làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, thực hiện đợt đào tạo thứ Hai, chuyển giao công nghệ xác định khả năng tự cháy của than cho các cán bộ, chuyên gia của Trung tâm An toàn Mỏ.
Từ đó, trong buổi làm việc hôm nay, hai bên đã ký Biên bản làm việc, trong đó đã ghi nhận những kết quả đào tạo trong thời gian vừa qua, đồng thời thống nhất thời điểm đào tạo, chuyển giao công nghệ cuối cùng (đợt 3) sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu than tự cháy. Khi đó, các học viên sẽ được đào tạo thực tế, trong phòng thí nghiệm.
Biên bản cuộc họp là cơ sở trong việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo của Hợp đồng số 01/2015/HĐCGCN- IMSAT- GIG./.