Ngày 7/7/2016, TS. Trần Tú Ba, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã có buổi làm việc với chuyên gia của Tập đoàn Famur (BaLan).
Tham dự buổi làm việc, về phía Tập đoàn Famur có ông Jan Pos’wiata, Giám đốc bộ phận hệ thống vận tải đường sắt trong hầm lò, ông Piotr Monsiorski, Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống vận tải vật liệu rời và ông Radoslaw Michalak, Kỹ sư trưởng hệ thống vận tải đường sắt trong hầm lò. Về phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, có ông Trương Đức Dư, Phó Viện trưởng, cùng một số trưởng, phó phòng chuyên môn có liên quan.
Mở đầu, thay mặt Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, TS. Trần Tú Ba đã có lời chào mừng các vị khách quý Hãng Famur đã đến làm việc với Viện. Tiếp đó, TS. Trần Tú Ba đã giới thiệu về Viện, một số công trình tiêu biểu mà Viện là đơn vị nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ, các đối tác nước ngoài mà Viện đã hợp tác trong những năm qua. Trong đó, có các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản, với hợp tác chủ yếu về lĩnh vực an toàn mỏ; các doanh nghiệp Trung Quốc, với 2 công trình tiêu biểu, đó là xây dựng Nhà máy tuyển bauxite Tân Rai, Nhân Cơ… Đặc biệt, đối với Viện, các doanh nghiệp của Ba Lan là những đối tác đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của Viện, như Viện GIG, Hãng Carboautomatyka,… với những công trình tháo khí mê tan, thiết lập hệ thống cánh báo khí mỏ tự động, chế tạo linh kiện, thiết bị, phụ tùng thay thế,… Hiện nay, Viện đang hợp tác với GIG trong việc xây dựng phòng thí nghiệm than tự cháy, với Hãng Carboautomatyka chế tạo nội địa hóa các linh kiện, thiết bị của hệ thống cảnh báo khí mỏ tự động…
Về phía mình, thay mặt đoàn, ông Jan Pos’wiata đã giới thiệu về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Hãng Famur. Theo giới thiệu, Tập đoàn Famur là doanh nghiệp chế tạo nhiều thiết bị, phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ những thiết bị đồng bộ cơ giới hóa khai thác, đào lò, vận tải trong hầm lò; các thiệt bị trên mặt bằng: thiết bị bốc dỡ than ở cảng, kho chứa… thiết bị vận tải trong các nhà máy điện; các thiết bị cho ngành đúc, luyện kim, đến các thiết bị phục vụ công nghiệp khai thác dầu, khí…
Với mục đích hướng tới sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về những vấn đề mà hai bên có thể hợp tác, từ những công trình trong ngắn hạn và cả những vấn đề trung và dài hạn. Theo đó, TS. Trần Tú Ba đề nghị Famur xây dựng danh mục các chủng loại thiết bị của Hãng, có thể áp dụng ở Việt Nam, từ đó, hai bên sẽ cùng xem xét, điều chỉnh các tính năng kỹ thuật cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể trong Ngành mỏ Việt Nam…
Kết quả buổi làm việc là cơ sở để hai bên tăng cường hợp tác trong thời gian tới./.