Ngày 9.7.2016, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Giảm thiểu tác động của khí CO, CO2 đến người lao động trong bầu không khí mỏ khi phải làm việc, tránh mìn ở những gương lò dài, những đường lò thong gió đầu chợ dài sau mỗi lần nổ mìn ở các mỏ than hầm lò trong TKV”.
Hội đồng khoa học công nghệ cấp cơ sở được thành lập theo Quyết định của Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, số 419/QĐ-VKHCNM, ngày 31/5/2016, gồm 7 thành viên, TS. Trần Tú Ba, làm Chủ tịch, TS. Trương Đức Dư, Phó Chủ tịch, PGS. TS. Trần Xuân Hà, Đại học Mỏ – Địa chất, Phản biện 1, TS. Lê Văn Thao, Hội KHCN mỏ Việt Nam, Phản biện 2.
Cơ quan quản lý đề tài: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin
Chủ nhiệm đề tài: KS. Phạm Ngọc Lược
Theo Báo cáo tổng kết trình bày tại Hội nghị, đề tài đã hoàn thành những nội dung nghiên cứu: 1) Tổng hợp, đánh giá hiện trạng về điều kiện vi khí hậu sau nổ mìn tại một số mỏ than hầm lò; 2) Nghiên cứu lựa chọn mô hình buồng tránh – kín khí phù hợp với điều kiện đặc điểm các mỏ than hầm lò trong TKV; 3) Thiết kế áp dụng thử nghiệm buồng tránh – kín khí tại các mỏ than hầm lò trong TKV; 4) Đánh giá kết quả áp dụng thử nghiệm mô hình buồng tránh – kín khí tại các mỏ than hầm lò trong TKV.
Sau khi nghe nhóm thực hiện trình bày báo cáo tổng kết đề tài, các nhận xét phản biện cũng như các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp nhiều ý kiến. Theo đó, trong điều kiện thi công đào những đường lò dài, có gương dài trên 1000m, bằng khoan nổ mìn, khi tránh mìn, công nhân sẽ phải di chuyển ra vào gương, tiêu tốn nhiều thời gian và công sức. Từ đó, nếu có các buồng tránh khí độc sau nổ mìn ở gần gương, không những đảm bảo an toàn cho công nhân, mà còn góp phần tăng năng suất lao động. Thực tế, tại nhiều nước có nền công nghiệp mỏ phát triển, người ta đã sử dụng buồng tránh khí trong thi công đào chống lò, thậm chí cả trong những trường hợp phụt khí, cháy mỏ… Điều đó nói lên, việc triển khai thực hiện đề tài này là cần thiết.
Tại Hội nghị, các ý kiến phản biện, cũng như những đóng góp của các thành viên trong Hội đồng KHCN, về cơ bản đánh giá, nhóm thực hiện đã hoàn thành việc thực hiện đề tài, tuy nhiên, bố cục, cách trình bày chưa phù hợp với kết quả nghiên cứu, tính thuyết phục chưa cao… Hội đồng KHCN đề nghị nhóm thực hiện đề tài cần chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo tổng kết theo những ý kiến đóng góp tại Hội nghị trước khi trình nghiệm thu ở cấp quản lý đề tài./.