Ngày 31.8.2016, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở, đề tài: “Phát triển áp dụng cơ giới hoá đào lò và khai thác tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh giai đoạn 2013-2015, lộ trình đến năm 2020”.
Cơ quan quản lý đề tài: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đặng Thanh Hải
Hội đồng khoa học công nghệ cấp cơ sở được thành lập theo Quyết định của Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin, số 417/QĐ-VKHCNM, ngày 31/5/2016, gồm 9 thành viên, TS. Trần Tú Ba, làm Chủ tịch, TS. Trương Đức Dư, Phó Chủ tịch, PGS. TS. Phùng Mạnh Đắc, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam, Phản biện 1, PGS. TS. Nguyễn Xuân Mãn, Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, Phản biện 2.
Theo Báo cáo tổng kết trình bày tại Hội nghị, đề tài đã hoàn thành những nội dung nghiên cứu: 1) Tổng hợp trữ lượng, điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh; 2) Đánh giá kết quả triển khai áp dụng cơ giới hoá đào lò và khai thác theo các dự án đầu tư xây dựng mỏ hầm lò; 3) Đánh giá đặc điểm điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ các khu vực có khả năng áp dụng cơ giới hoá đào chống lò đá, đào chống lò than và khai thác; 4) Nghiên cứu hoàn thiện các mô hình áp dụng thử nghiệm cơ giới hoá khai thác tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh; 5) Nghiên cứu đề xuất sơ đồ công nghệ và đồng bộ thiết bị cơ giới hoá đào lò và khai thác cho điều kiện các khoáng sang than hầm lò vùng Quảng Ninh.
Với các nội dung nghiên cứu như trên, đề tài đã đạt được kết quả bao gồm: 1) Tổng hợp được toàn bộ sản lượng than đã được khai thác bằng công nghệ cơ giới hoá ở các mỏ giai đoạn 2002- 2015; 2) Phân tích chi tiết kết quả áp dụng cơ giới hoá khai thác theo phạm vi sản trạng các vỉa than (dày trung bình, thoải đến nghiêng, vỉa dày, dốc nghiêng đến dốc đứng); 3) Đánh giá toàn diện các nguyên nhân ảnh hưởng đến sản lượng lò chợ; 4) Đánh giá được các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật chính của công nghệ, đặc biệt là công suất lò chợ, năng suất lao động, giá thành và cơ cấu giá thành khai thác và đưa ra so sánh các chỉ tiêu của các loại hình công nghệ, qua đó, thấy rõ tiềm năng tăng sản lượng và giảm số lượng công nhân làm việc trong lò chợ áp dụng công nghệ cơ giới hoá; 5) Tổng hợp đầy đủ khối lượng mét lò đào bằng máy giai đoạn 2003 – 2015 ở các mỏ hầm lò; 6) Tổng hợp được các sơ đồ công nghệ đào lò đá và dây chuyền thiết bị; 7) Phân tích được một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ giới hoá đào lò; 8) Đề xuất được 4 sơ đồ công nghệ cơ giới hoá áp dụng cho các vỉa than mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh (Khấu hết đồng thời toàn bộ chiều dày vỉa; Lò chợ hạ trần thu hồi than; Chia cột theo hướng dốc; Cơ giới hoá gương lò ngắn); 8) Đề xuất được các thiết bị chính trong dây chuyền cơ giới hoá (giàn chống, máng cào và quy mô công suất ứng với từng loại hình công nghệ); 9) Đề xuất các sơ đồ công nghệ và đồng bộ thiết bị cơ giới hoá đào lò than và lò đá; 10) Đề tài đã xây dựng được kế hoạch phát triển sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hoá ở các mỏ hầm lò đến năm 2025 và mức giảm số lượng lò chợ thủ công và số lượng công nhân sản xuất trực tiếp trong lò chợ theo từng năm.