Ngày 28.10.2016, tại Trung tâm An toàn Mỏ, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tổ chức lễ ký biên bản nghiệm thu phòng thí nghiệm nghiên cứu khả năng tự cháy của than.
Tham dự lễ ký, về phía đoàn chuyên gia Viện GIG có Ông Cygankiewicz janusz, Maciej, trưởng phòng khí mỏ học, ông Krause Eugeniusz, Jozef, Phó giám đốc mỏ thực nghiệm Barbara, Trưởng phòng kiểm soát hiểm hoạ khí, cùng các chuyên gia. Về phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin có TS. Trần Tú Ba, Viện trưởng, TS. Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm An toàn mỏ, TS. Phùng Quốc Huy, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm An toàn mỏ, ThS. Lê Trung Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn mỏ, cùng một số trưởng, phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Viện và các cán bộ trực tiếp thực hiện dự án.
Như tin đã đưa, ngày 8/4/2016, trong buổi tiếp và làm việc với Viện GIG (Ba Lan), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn chỉ đạo Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin hợp tác với Viện GIG (Ba Lan), khẩn trương hoàn thành dự án xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu xác định tính tự cháy của than.
Thực hiện sự chỉ đạo trên, Viện Khoa học Công nghệ mỏ đã phối hợp với đoàn chuyên gia của Viện GIG thực hiện bước tiếp theo của Hợp đồng Chuyển giao công nghệ số: 01/2015/HĐCGCN-IMSAT-GIG, ngày 24/6/2015, đã ký giữa Viện Viện Khoa học Công nghệ mỏ-Vinacomin và Viện GIG (Ba Lan) về việc thực hiện gói thầu số 1: Mua công nghệ nghiên cứu khả năng tự cháy của than.
Tiếp đó, hai bên đã thống nhất chương trình đào tạo chuyển giao công nghệ nghiên cứu xác định khả năng tự cháy của than được tiến hành trong 3 đợt: Đợt 1 (29/9/2015 đến 19/10/2015) các cán bộ, chuyên gia của Trung tâm An toàn mỏ, Viện Khoa học công nghệ Mỏ được đào tạo về lý thuyết và các phương pháp nghiên cứu than tự cháy tại Ba Lan; Đợt 2 (11/4/2016-19/4/2016) các chuyên gia Viện GIG đạo tạo về lý thuyết các phương pháp nghiên cứu than tự cháy cho 20 cán bộ tại Trung tâm An Toàn Mỏ; Đơt 3 (từ 18/10/2016 – 28/10/2016) là đợt đào tạo chuyên sâu về lý thuyết và vận hành thiết bị, kỹ năng phân tích, xử lý các kết quả phân tích mẫu than, mẫu khí từ các mỏ để đánh giá hiểm hoạ tự cháy của than và vận hành toàn bộ phòng thí nghiệm.
Đến nay, phòng thí nghiệm than tự cháy đã được lắp đặt hoàn chỉnh, các cán bộ Trung tâm An toàn Mỏ, Viện Khoa học Công nghệ mỏ đã nắm chắc về lý thuyết và khả năng vận hành các trang thiết bị máy móc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu khả năng tự cháy của than.
Phát biểu tại lễ ký biên bản nghiệm thu, các chuyên gia của Viện GIG đã bày tỏ lòng cám ơn về sự đón tiếp chu đáo của Viện và hy vọng với những kiến thức đã truyền đạt và các trang thiết bị hiện đại được lắp đặt tại Trung tân An toàn Mỏ, Viện Khoa học Công nghệ mỏ – Vinacomin, ngành than Việt Nam có thể chủ động trong việc phòng ngừa và ngăn chặn cháy nội sinh trong các mỏ than hầm lò Việt Nam.