Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin làm việc với Trường Đại học Mỏ và Công nghệ Từ Châu, Trung Quốc

Ngày 28/3/2017, Viện khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã có buổi làm việc với Trường Đại học Mỏ và Công nghệ Từ Châu, Trung Quốc về vấn đề đào tạo sau đại học và nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ trong lĩnh khai thác than lộ thiên.

Tham dự, về phía Trường Đại học Mỏ và Công nghệ Từ Châu có giáo sư Cai Qing Xiang và tiến sĩ Chen ShuZhao. Tiếp và làm việc với đoàn, phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin có tiến sĩ Lưu Văn Thực, Phó Viện trưởng cùng các cán bộ liên quan.

Tại buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu về tiềm năng và nhân lực của mình với đối tác. Theo đó, Trường Đại học Mỏ và Công nghệ Từ Châu là một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc về ngành mỏ. Trường đã có hơn 100 năm thành lập với các chuyên ngành đào tạo như công nghệ khai thác lộ thiên, hầm lò, tuyển khoáng, điện tự động hóa, cơ điện, cơ khí v.v. Ngoài chức năng đào tạo, Nhà trường còn kết hợp với các công ty, các viện để nghiên cứu chuyên sâu và chuyển giao công nghệ…

Trao đổi về vấn đề đào tạo, TS. Lưu Văn Thực cho biết trong những năm gần đây Viện đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo sau đại học tại Trung Quốc, tuy nhiên số lượng cán bộ đào tạo tại Trường Đại học Mỏ và Công nghệ Từ Châu còn ít. Phía Viện mong muốn trong thời gian tới sẽ hợp tác với Nhà trường để các cán bộ của Viện có nhiều cơ hội được đào tạo, nghiên cứu tại Trường hơn. Trao đổi về vấn đề công nghệ, phía Viện đã nêu khái quát tình hình khai thác, điều kiện địa chất tại các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh, Việt Nam nói chung,cụ thể là mỏ than Cao Sơn (là mỏ có sản lượng khai thác than lộ thiên lớn nhất vùng Quảng Ninh – khoảng 4 triệu tấn thán/năm; điều kiện khai thác phức tạp, khai thác xuống sâu, chiều cao bờ mỏ lớn; cung độ vận tải xa…). Từ đó phía Viện đã đưa ra một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới  khai thác than lộ thiên như: Xử lý bùn đáy mỏ sau mùa mưa; Sạt lở bờ mỏ, sạt lở bãi thải đối với các mỏ có bờ mỏ và bãi thải cao; Công tác vận tải trên các mỏ lộ thiên sâu; Nguy cơ bục nước khi kết hợp khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò…

Giáo sư Cai Qing Xiang đã trao đổi về kinh nghiệm quản lý, vận hành mỏ của Nhà trường, cụ thể tại một mỏ khai thác than lộ thiên tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có điều kiện khai thác tương tự các mỏ của Việt Nam, như tuổi mỏ, góc dốc bờ khai thác lớn, lượng mưa hàng năm tương đồng,… đối với vấn đề vận tải trên mỏ lộ thiên, ở Trung Quốc người ta thay thế hình thức vận tải ôtô bằng hình thức vận tải liên tục đã giúp giảm đáng kể chi phí vận tải và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đối với những vấn đề công nghệ mà Viện đưa ra, Giáo sư đề xuất, trong chuyến thăm thực tế vùng Quảng Ninh sắp tới (ngày 29 và 30/3/2017), Đoàn sẽ có đánh giá chung về điều kiện địa chất cũng như công nghệ áp dụng của các mỏ than lộ thiên Việt Nam, từ đó sẽ có nghiên cứu, bàn bạc giải pháp cụ thể. Giáo sư Cai Qing Xiang cũng nhấn mạnh, qua tìm hiểu, phía Nhà trường được biết Viện là một trong những đơn vị nghiên cứu, tư vấn đầu ngành của ngành Than Việt Nam. Trong thời gian tới, Giáo sư nói riêng và Nhà trường nói chung sẽ ủng hộ nhiệt tình và tạo mọi điều kiện để các cán bộ của Viện được sang học tập, nghiên cứu tại trường. Trong chuyến công tác lần này, Nhà trường mong muốn hướng tới việc ký kết biên bản ghi nhớ với Viện, trên cơ sở đó, hai bên sẽ triển khai hợp tác nghiên cứu, đào tạo lâu dài.

Sau buổi làm việc, đoàn hai bên đã cùng tham quan một số phòng nghiên cứu chủ chốt của Viện.

 

 

Các mục khác