Những thành công, kết quả bước đầu của 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai là cơ sở, luận cứ quan trọng cho việc đánh giá, đề ra chiến lược dài hạn cho chuỗi công nghiệp nhôm, ngành luyện kim cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng.
Đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương
Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động năm đầu tiên đã đạt được công suất thiết kế và có lãi ngay. Năm thứ hai, Công ty đã vượt công suất thiết kế. Riêng năm 2019, kế hoạch của nhà máy đặt ra là đạt 670.000 tấn, vượt 20.000 tấn alumin so với công suất ban đầu.
Theo Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, để bảo đảm hoạt động sản xuất được ổn định, ngay từ những ngày đầu năm 2019, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý thiết bị; đồng thời, hoàn thiện các thủ tục lựa chọn đơn vị thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, không để ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. Nhờ đó, trong quý I, sản phẩm alumin quy đổi đạt 164.677 tấn, tương đương 103,9% kế hoạch quý và 25,3% kế hoạch năm.
Hoạt động xuất bán, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện theo đúng kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng như bảo đảm khối lượng và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu khách hàng. Dự kiến trong quý I, Công ty sẽ xuất bán được 31.313 tấn hydrat và 150.271 tấn alumin. Doanh thu đạt 831,8 tỷ đồng, tương đương 98,22% kế hoạch quý và 26% kế hoạch năm…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết: Đến nay, dự án đã đóng góp cho ngân sách 1.627 tỷ đồng (bao gồm cả thuế xây dựng). Riêng năm 2018, dự án đã đóng góp cho tỉnh 330 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 780 người lao động địa phương và 77 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, với thu nhập trung bình là 10,5 triệu đồng/người/tháng. Được biết, nếu như trước đây, thu nhập của người dân ở huyện Đắk R’lấp (nơi dự án đóng chân) chỉ đạt 45 triệu đồng/người/năm thì trong vòng 2 năm nay trở lại đây đã tăng lên 75 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, với 1 năm chi trả tiền lương cho công nhân của nhà máy là 150 tỷ đồng đã kéo theo việc phát triển mạnh của hoạt động tiêu dùng chung trên địa bàn tỉnh…
Thời cơ mở rộng công suất nhà máy
Với những hiệu quả kinh tế, xã hội bước đầu mang lại của dự án, TKV dự kiến đề xuất nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên 2 triệu tấn/năm ngay sau khi Bộ Chính trị xem xét, đánh giá tổng thể dự án.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn thì diện tích của Nhà máy Alumin Nhân Cơ khi quy hoạch tương đương là 2 mô đun, với công suất sản xuất là 650.000 tấn/năm. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng như vậy, Công ty có thể nâng công suất lên 800.000 tấn/năm. Diện tích còn lại có thể xây dựng thêm 1 mô đun nữa, tương đương với khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Theo dự báo đến năm 2030, thế giới cần khoảng 60 triệu tấn alumin. Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hàng không rất phát triển nên nhu cầu về nhôm là rất cao… Cơ hội mở ra cho ngành công nghiệp bô xít của Việt Nam vô cùng lớn. Đây được xem là thời cơ chín mùi để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi bôxít. Như vậy, trong thời gian sắp tới, việc phát triển ngành công nghiệp bôxít – nhôm phải được triển khai rất quyết liệt. Bộ Công Thương hiện đang tổng hợp 2 dự án nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai. Qua thực tiễn cho thấy hiệu quả kinh tế rất tốt. Các tiêu chí về môi trường, xã hội rất tốt, đáp ứng các yêu cầu. Hy vọng, trong năm 2019, trên cơ sở báo cáo về hiệu quả dự án, Bộ Công Thương cũng sẽ trình Bộ Chính trị xem xét về Quy hoạch phát triển bôxít đến năm 2030. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến các dự án bôxít ở Tây Nguyên. Nếu các dự án được đánh giá sớm thì sẽ có nhà đầu tư ngay…
Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm: Những thành công, kết quả bước đầu của dự án thí điểm bôxít đã đưa ra những luận cứ, cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện chiến lược về chuỗi công nghiệp nhôm cũng như khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Kết quả này cũng minh chứng cho quan điểm của Bộ Chính trị trong việc phát triển công nghiệp khai khoáng gắn liền với việc tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời, sự bền vững trong khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo về 2 dự án bôxít – alumin trên cơ sở đánh giá toàn diện, để thấy rõ được tiềm năng, điều kiện phát triển; đồng thời, báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị, Chính phủ để xây dựng định hướng, tiếp tục phát triển nền kinh tế liên quan đến luyện kim, luyện kim màu trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ sớm mở rộng công suất của các nhà máy bôxít. Bộ cũng sẽ xem xét, kiến nghị với Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị có những định hướng dài hạn để thu hút đầu tư của xã hội vào phát triển công nghiệp nhôm và thậm chí đẩy nhanh tiến độ triển khai nếu như bảo đảm các điều kiện thuận lợi và chứng minh được hiệu quả…