Là chủ đề của Hội thảo khoa học do Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức vào sáng nay, ngày 18/12 tại Quảng Ninh.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đỗ Thị Ninh Hường – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh; Phạm Hồng Cẩm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh; lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tập đoàn; các đồng chí là Anh hùng lao động của Tập đoàn các thời kỳ; các giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà báo… Về phía TKV có các đồng chí: Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn; Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn TKV; Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy TQN, Phó TGĐ Tập đoàn; lãnh đạo các tổng Công ty, công ty, đơn vị thành viên…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân nhấn mạnh, cuộc tổng bãi công tháng 11/1936 là một mốc son chói lọi trong lịch sử hình thành, phát triển của công nhân vùng Mỏ, của ngành Than nói riêng và của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung. Trải qua 84 năm xây dựng và trưởng thành, ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết và triệt để cách mạng của công nhân vùng Mỏ Quảng Ninh đã trở thành truyền thống vẻ vang, nền tảng vững chắc, động lực then chốt cho sự lớn mạnh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Theo lộ trình, TKV đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại sản xuất theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đây mạnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng hiệu quả hoạt động SXKD nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của TKV.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, song quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Xác định con người là nhân tố hàng đầu, nằm ở vị trí trung tâm của sự phát triển. Đồng thời kết hợp hài hòa hai yếu tố hiện đại và truyền thống, bởi hai yếu tố này luôn có sự quan hệ ràng buộc lẫn nhau, tạo nên động lực cho sự phát triển. Một lần nữa, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ cần phải được tiếp tục giữ gìn, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, lan tỏa những giá trị tích cực trong điều kiện mới, phù hợp với tình hình cụ thể hiện nay của Tập đoàn.
Hội thảo khoa học “Truyền thống Văn hóa thợ Mỏ – những giá trị lịch sử và định hướng trong thời kỳ mới” là một hoạt động thuộc khuôn khổ Đề án “Phát huy truyền thống văn hóa thợ mỏ trong thời kỳ mới”. Đây là dịp để tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, làm sâu sắc thêm đặc điểm văn hóa thợ mỏ, giá trị lịch sử và định hướng phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ Việt Nam trong điều kiện mới. Đồng thời, phát huy các giá trị, giáo dục, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có trách nhiệm tiếp bước những chặng đường lịch sử vẻ vang và hào hùng của bao thế hệ cha ông đi trước, xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phát triển bền vững.
Tại hội thảo, 3 nội dung chính đã được làm rõ: Đặc điểm Truyền thống Văn hóa thợ Mỏ; thực trạng Văn hóa thợ Mỏ trong giai đoạn hiện nay; định hướng, giải pháp phát huy Truyền thống Văn hóa thợ Mỏ trong thời kỳ mới.