Ngày 02/11/2021, Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ xuống sâu mức -300 cho mỏ Cọc Sáu và các mỏ lộ thiên xuống sâu có điều kiện tương tự thuộc TKV” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin thực hiện.
Hội đồng KHCN của đề tài được thành lập theo Quyết định số 1556/QĐ-TKV ngày 17/9/2020, gồm 09 thành viên, Ông Phan Xuân Thủy (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV) làm Chủ tịch; Ông Đỗ Hồng Nguyên (Trưởng ban Khoa học – công nghệ thông tin và chiến lược Tập đoàn) làm Phó chủ tịch; Ông Trần Quang Hiếu (Phó trưởng bộ môn Khai thác Lộ thiên, Trường Đại học Mỏ – Địa chất) làm Ủy viên, Phản biện; Ông Mai Quảng Thái (Phó trưởng ban Kỹ thuật công nghệ mỏ Tập đoàn) làm Ủy viên, Phản biện.
– Cơ quan quản lý: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
– Cơ quan thực hiện: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin
– Chủ nhiệm đề tài: TS. Đỗ Ngọc Tước
Ảnh: Phạm Hải Anh
Mỏ Cọc Sáu hiện là mỏ lộ thiên sâu nhất Việt Nam, đáy mỏ đã đạt đến -285 (hố bơm tháng 02/2020), điều kiện về khai thác mỏ sẽ ngày càng khó khăn và phức tạp, chi phí sản xuất tăng cao khi mỏ tiếp tục khai thác xuống sâu. Tuy điều kiện khai thác khó khăn, nhưng hiện tại và các năm tới, sản lượng than nguyên khai của mỏ theo kế hoạch vẫn đạt 1,5÷2,0 triệu tấn/năm, đất bóc đạt từ 20÷30 triệu m3/năm. Do đó, để đảm bảo khả năng khai thác xuống sâu cho mỏ Cọc Sáu nói riêng và và các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu có điều kiện tương tự tại vùng Quảng Ninh nói chung Tập đoàn TKV đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ xuống sâu mức -300 cho mỏ Cọc Sáu và các mỏ lộ thiên xuống sâu có điều kiện tương tự thuộc TKV“.
Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, nhóm thực hiện đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung chính bao gồm: Nghiên cứu đánh giá tổng quan kinh nghiệm khai thác mỏ lộ thiên sâu có điều kiện tương tự ở trong và ngoài nước; Đánh giá hiện trạng và dự báo điều kiện mỏ khi khai thác các tầng sâu; Nghiên cứu biên giới kết thúc, trình tự khai thác, tốc độ đào sâu hợp lý; Nghiên cứu lựa chọn hệ thống khai thác và các thông số hệ thống khai thác hợp lý; Nghiên cứu đề xuất công nghệ khoan nổ, xúc bốc, xử lý bùn đào sâu đáy mỏ; Nghiên cứu đề xuất công nghệ vận tải đất đá và than hợp lý; Nghiên cứu công nghệ thoát nước và các giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại các tầng dưới sâu; Nghiên cứu giải pháp tăng cường ổn định bờ mỏ và bãi thải; Tính toán thử hiệu quả kinh tế các giải pháp khi áp dụng cho mỏ Cọc Sáu.
Sau khi nghe nhóm thực hiện đề tài trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết, kết quả đạt được của đề tài, các thành viên của Hội đồng KH đã đóng góp nhiều ý kiến. Trong đó, về cơ bản đánh giá cao kết quả thực hiện của đề tài. Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo đề cương đã đăng ký. Nội dung nghiên cứu của đề tài là cơ sở để triển khai áp dụng tại mỏ than Cọc Sáu và tiến tới mở rộng áp dụng cho các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu có điều kiện tương tự tại Quảng Ninh. Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu và đánh giá đề tài đạt loại khá./.
Đ. L