TKV đẩy mạnh sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng

Thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) năm 2022 trong điều kiện tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, thị trường than, giá vật tư, nhiên liệu biến động…, song TKV đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng, đáp ứng than cho sản xuất điện và nền kinh tế phục hồi sau khi dịch được kiểm soát.

Thi đua “Ngày công cao – Sản lượng cao – Thu nhập cao”

Trước những khó khăn do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng nghiêm trọng từ xung đột Nga – Ucraina, những biến động của thị trường và biến đổi của thời tiết, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2022 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến thiếu hụt lao động hầm lò đáp ứng cho sản xuất. Đỉnh điểm có những đơn vị sản xuất than hầm lò số ca F0 chiếm 60% đến gần 80% lao động, từ sản xuất 3 ca phải bố trí sản xuất 2 ca/ngày. Để đáp ứng nhu cầu than, nhất là than cho sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, Đảng uỷ, HĐTV, Ban lãnh đạo điều hành Tập đoàn, Công đoàn TKV đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quyết liệt triển khai các phương án phòng chống dịch; phối hợp cùng địa phương tổ chức cách ly, điều trị các ca F0, hỗ trợ CNLĐ bị ảnh hưởng do dịch, tổ chức tiêm vắc-xin mũi 4 phòng dịch cho cán bộ, CNLĐ.

Với tinh thần đáp ứng cao nhất sản lượng than cho điện và các khách hàng khi nhu cầu than tăng cao, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải đã chỉ đạo các đơn vị huy động tối đa các nguồn lực cho sản xuất, không để đứt gẫy sản xuất ở bất cứ đơn vị nào; tập trung nhân lực, thiết bị tổ chức khai thác than, tăng sản lượng than khai thác và chế biến, pha trộn than; bố trí phương án sản xuất phù hợp theo từng thời điểm. Tổng Giám đốc Tập đoàn và Công đoàn TKV đã phát động phong trào thi đua “Ngày công cao – Sản lượng cao – Thu nhập cao”, vận động công nhân thêm ca, thêm giờ để tăng giờ làm việc, tăng thời gian làm việc hữu ích, nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng.

Than Cao Sơn đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng than khai thác

Công ty CP Than Cao Sơn – TKV, đơn vị khai thác lộ thiên có sản lượng than lớn nhất của TKV, theo Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Dũng, kế hoạch năm 2022 Than Cao Sơn được TKV giao sản lượng than nguyên khai sản xuất 6,4 triệu tấn, Công ty phấn đấu sản xuất 6,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,647 triệu tấn. Để hoàn thành kế hoạch này, Than Cao Sơn đã phát động thi đua, chú trọng thực hiện công tác kỹ thuật, nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy mạnh khâu sản xuất than nguyên khai vỉa chính và chế biến để tăng sản lượng. Do vậy, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Than Cao Sơn đã hoàn thành 70% kế hoạch, tương ứng với 4,7 triệu tấn. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Phó TGĐ Tập đoàn Phan Xuân Thuỷ về đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, riêng trong tháng 3/2022 Công ty đã hoàn thành trên 700.000 tấn than, đạt trên 116% KH, đây cũng là mức sản lượng than sản xuất đạt được cao nhất trong 1 tháng kể từ khi thành lập Công ty đến nay.

Sản xuất tại lò chợ cơ giới hoá đồng bộ công suất 300.000 tấn/năm của Than Hạ Long

Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị sản xuất hầm lò đạt sản lượng cao và có mức thu nhập bình quân của CNLĐ đạt cao như Than Vàng Danh than nguyên khai sản xuất 2,278 triệu tấn, đạt 55% KH năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người-tháng, tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong đó thợ lò 21,8 triệu đồng/người-tháng. Than Hạ Long than nguyên khai sản xuất 994.000 tấn, đạt 55,2% KH năm; than tiêu thụ 928.700 tấn, đạt 53,2% KH năm; thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người-tháng. Than Dương Huy sản lượng than nguyên khai đạt 1,21 triệu tấn, bằng 54% KH, trong đó than hầm lò đạt 1,14 triệu tấn; thu nhập bình quân đạt 17,3 triệu đồng/người-tháng, trong đó thu nhập của thợ lò hơn 24,1 triệu/người-tháng…

Than Uông Bí tăng cường áp dụng cơ giới hoá trong đào lò và khai thác

Tại Công ty Than Uông Bí, đơn vị có điều kiện địa chất khó khăn, địa bàn sản xuất trải rộng…, song chuyên môn và Công đoàn Công ty đã phối hợp phát động thi đua thực hiện kế hoạch SXKD với kết quả các chỉ tiêu chính 6 tháng đầu năm đạt 50% KH năm trở lên, doanh thu đạt trên 1.605 tỷ đồng, bằng 52,89% KH năm; thu nhập bình quân đạt hơn 16,6 triệu đồng/người-tháng, tăng 5,1%  so với cùng kỳ, trong đó thợ lò đạt 21,68 triệu đồng/người-tháng. Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Để thực hiện kế hoạch SXKD, Công ty tiếp tục đầu tư cơ giới hoá (CGH) vào sản xuất và đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đầu tư thiết bị CGH năm 2022. Các thiết bị như máy đào lò EBH-45, máy xúc lật hông ZCY-45, xe khoan CMJ-14 đã đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả. Dự kiến trung tuần tháng 8, Công ty tiếp tục đưa lò chợ CGH hạng nhẹ công suất 300.000 tấn than/năm vào khai thác. Đẩy mạnh CGH sẽ giúp Than Uông Bí hoàn thành mục tiêu sản xuất 2,6 triệu tấn than nguyên khai và đào trên 30.700m lò trong năm 2022”.

Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả đẩy mạnh tiêu thụ tại cảng Cẩm Phả đáp ứng than cho các khách hàng

Là đơn vị có vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ tiêu thụ tại vùng Cẩm Phả, 6 tháng đầu năm Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả thực hiện tiêu thụ than đạt 29,3 triệu tấn, bằng 52,94% KH năm và bằng 107% so với cùng kỳ; doanh thu tổng số đạt 58,8 ngàn tỷ đồng, bằng 59,53% KH năm và bằng 128% so với cùng kỳ…

Tuyển than Cửa Ông giữ vững nhịp độ sản xuất, tăng cường chế biến các chủng loại than cho tiêu thụ

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt từ Tập đoàn đến các đơn vị, sự nỗ lực của cán bộ, CNLĐ, 6 tháng đầu năm TKV đã sản xuất trên 22 triệu tấn than nguyên khai, đạt 56% KH năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, TKV đã chỉ đạo các đơn vị khối sản xuất than khai thác tăng thêm 1,4 triệu tấn than, đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng cho sản xuất điện và nền kinh tế; than tiêu thụ đạt 24,6 triệu tấn, đạt 57% KH năm; doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 81 nghìn tỷ đồng, đạt 61,6% KH năm; nộp ngân sách Nhà nước hơn 11 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt trên 14 triệu đồng/người-tháng, tăng gần 4% so với KH. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, than sản xuất 25 triệu tấn, đạt 63,7% KH năm, tăng 4% so với cùng kỳ; than tiêu thụ đạt 28,53 triệu tấn, đạt 66% KH năm, tăng 1,1% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 96.443 tỷ đồng, đạt 73,3% KH năm, tăng 25% so với cùng kỳ; các lĩnh vực sản xuất khoáng sản, cơ khí, VLNCN… đều tăng trưởng. Kế hoạch còn lại 5 tháng cuối năm: sản xuất than 15,3 triệu tấn; than tiêu thụ 17,3 triệu tấn, trong đó than cho nhiệt điện hơn 13,7 triệu tấn…, Tập đoàn phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch SXKD năm 2022.

Đảm bảo an toàn trong sản xuất

Là ngành sản xuất với nhiều ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, đặc biệt là sản xuất than hầm lò tiềm ẩn các nguy cơ về TNLĐ, sự cố trong sản xuất, TKV và các đơn vị thành viên luôn chú trọng thực hiện công tác ATVSLĐ với mục tiêu giảm thiểu tối đa TNLĐ và sự cố, không để xảy ra các vụ TNLĐ, sự cố mang tính lặp lại. Cùng với đó, Tập đoàn chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, huấn luyện nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, thực hiện tự chủ an toàn trong sản xuất, tự bảo vệ mình và bảo vệ đồng đội, đảm bảo an toàn mới sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn và các đơn vị đã tích cực thực hiện công tác ATVSLĐ, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất để tăng năng suất lao động, cải thiện điểu kiện làm việc, môi trường làm việc cho công nhân và nâng cao mức độ an toàn. Đồng thời, Ban AT và Trung tâm Cấp cứu mỏ cùng các đơn vị đã tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện ATVSLĐ tại các đơn vị, sớm phát hiện các vi phạm, nguy cơ để xử lý, ngăn chặn. Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị thực hiện công tác ATVSLĐ là 641,42 tỷ đồng, bằng 50,1% KH năm; tổng số lượt kiểm tra ATVSLĐ là 233 lượt, đã phát hiện, yêu cầu khắc phục kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn.

Thợ mỏ Than Mạo Khê quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2022, đảm bảo an toàn lao động

Để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, Phó TGĐ Tập đoàn Phan Xuân Thuỷ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm lao động làm việc trong hầm lò, nâng cao mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại trong hầm lò cho công nhân. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra ca 2, ca 3 để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, ngăn chặn sự cố, TNLĐ có thể xảy ra. Chú trọng công tác cơ điện – vận tải, quản lý, vận hành thiết bị; công tác thông gió, thoát nước, kiểm soát khí mỏ; thực hiện tốt công tác PCMB…, Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện các nguy cơ mất an toàn trong sản xuất ở tất cả các khu vực, vị trí sản xuất…, có giải pháp loại trừ, chấn chỉnh, ngăn chặn TNLĐ, sự cố có thể xảy ra. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ cấp công trường, phân xưởng trong công tác ATVSLĐ. Cùng với đó, rà soát, chấn chỉnh công tác kỹ thuật cơ bản, công nghệ khai thác, đào lò, kiểm soát điều kiện địa chất, áp lực mỏ; thực hiện tốt công tác PCMB từ trong hầm lò đến mặt bằng, đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Nguồn: www.vinacomin.com.vn

Các mục khác