Nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia “Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ nhằm chống giữ duy trì ổn định đường lò trong quá trình khai thác ở các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”

Ngày 29/12/2022, Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN thuộc “Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025 thực hiện đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành cồng nghiệp khai khoáng đến năm 2025” – “Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ nhằm chống giữ duy trì ổn định đường lò trong quá trình khai thác ở các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ chủ trì thực hiện.

Hội đồng Khoa học và Tổ chuyên gia tư vấn nghiệm thu kết quả thực hiện của nhiệm vụ được thành lập theo Quyết định số 2773 QĐ-BCT, ngày 14/12/2022, gồm 9 thành viên: Ông Phùng Mạnh Đắc (Hội Khoa học công nghệ Mỏ Việt Nam) – Chủ tịch Hội đồng; Tổ trưởng – Tổ chuyên gia Tư vấn; Ông Phạm Kiên (Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương) – Phó Chủ tịch Hội đồng; Ông Trần Xuân Hà (Trường Đại học – Mỏ Địa chất) – Ủy viên, phản biện; Tổ viên – Tổ chuyên gia Tư vấn; Ông Trương Đức Dư (Hội Khoa học công nghệ Mỏ Việt Nam) – Ủy viên, phản biện; – Tổ viên – Tổ chuyên gia Tư vấn; các ông Lê Đức Nguyên (Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương); Trần Văn Thanh (Trường Đại học – Mỏ Địa chất); Kiều Kim Trúc (Hội Khoa học công nghệ Mỏ Việt Nam); Nguyễn Việt Cường (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp); Đàm Hải Nam (Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương) làm ủy viên.

– Cơ quan quản lý: Bộ Công Thương

– Cơ quan thực hiện: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin.

– Chủ nhiệm đề tài: TS. Đinh Văn Cường

TS. Đinh Văn Cường trình bày báo cáo tại Hội đồng

Ảnh: Phạm Hải Anh

Các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh ngày càng khai thác xuống sâu, áp lực gia tăng theo chiều sâu bố trí đường lò, điều kiện địa chất mỏ phức tạp, kéo theo một loạt các vấn đề địa, kỹ thuật gây mất ổn định đường lò. Các đường lò đá được thi công trong địa tầng có nhiều tập lớp đá có độ kiên cố, chiều dày và thế nằm khác nhau, các đường lò than thi công theo vỉa cũng có góc dốc, chiều dày khác nhau, đất đá vách trụ vỉa bao quanh đường lò thi công có các chỉ tiêu cơ lý và cấu tạo địa chất không đồng nhất, dẫn đến áp lực mỏ tác động lên khung chống lò phần lớn là áp lực lệch tâm nên nhiều đường lò thi công sau một thời gian ngắn đã bị nén lún, biến dạng, mất ổn định. Mặt khác, các vỉa than trong khoáng sàng vùng Quảng Ninh được phân bố thành các tập vỉa, tại một số mỏ các vỉa than nằm khá gần nhau, dẫn đến nhiều đường lò nằm trong phạm vi ảnh hưởng bởi áp lực tựa lò chợ khai thác trong cùng vỉa cũng như các vỉa than lân cận, từ đó bị nén ép, mất ổn định. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, Bộ Công Thương đã giao cho Viện KHCN Mỏ – Vinacomin chủ trì thực hiện đề tài này .

Theo báo cáo được trình bày tại Hội đồng, nhóm thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu các nội dung chính bao gồm: Tổng quan các giải pháp kỹ thuật công nghệ xử lý tình trạng mất ổn định đường lò tại các mỏ than hầm lò trên thế giới và trong nước; Nghiên cứu hiện trạng và xác định nguyên nhân gây mất ổn định đường lò tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh; Nghiên cứu đề xuất áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ xử lý tình trạng mất ổn định đường lò ở các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh; Thiết kế áp dụng giải pháp kỹ thuật công nghệ nâng cao mức độ ổn định đường lò tại lò xuyên vỉa vận tải mức +0 khu giếng Vàng Danh – Công  ty than  Vàng Danh;

Đề tài đã nghiên cứu, đề xuất và xây dựng 15 giải pháp kỹ thuật, công nghệ đồng thời đưa vào áp dụng giải pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp tại lò xuyên vỉa vận tải mức +0 khu giếng Vàng Danh – Công ty than Vàng Danh.

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài, các thành viên của Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nhận định đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo đề cương đã đăng ký, sản phẩm đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Đề tài có bố cục rõ ràng, logic. Kết quả áp dụng thử nghiệm cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn và hiệu quả kinh tế. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để triển khai áp dụng vào thực tế đáp sản xuất. Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu./.

Đ.L

 

Các mục khác