Ngày 07/04/2023, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin đã tiếp và làm việc với ông Aleksandr Efimochkin, Giám đốc phát triển kinh doanh Quốc tế của Tập đoàn Zyfra (Liên Bang Nga) về hệ thống tự động hóa trong khai thác, chế biên than -khoáng sản, ông Lưu Văn Thực, Phó Viện trưởng Viện KHCN Mỏ chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Aleksandr Efimochkin, Giám đốc phát triển kinh doanh Quốc tế Tập đoàn Zyfra đã trao đổi và giới thiệu với các cán bộ của Viện KHCN Mỏ về hệ thống tự động hóa các công đoạn của quá trình khai thác từ khoan, nổ mìn, bốc xúc, vận tải đến tuyển – chế biến than, khoáng sản.
Hệ thống tự động quản lý và vận hành được Zyfra giới thiệu có ba cấp độ: Cấp độ tự động hóa tại chỗ; Cấp độ tự động hóa điều khiển từ xa và Cấp độ robot hóa. Theo đó, hệ thống tự động hóa điều khiển từ xa là hệ thống sử dụng phần mềm chuyên dụng để điều khiển các thiết bị từ phòng điều phối trung tâm. Bằng phần mềm đã được lập trình sẵn, thông qua các mô đun phần cứng được lắp đặt trên các thiết bị sử dụng trong quá trình khai thác, chế biến than – khoáng sản (như máy khoan, máy xúc, ô tô vận tải, máy đập, nghiền) Hệ thống sẽ giám sát, điều khiển để chúng hoạt động theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Hệ thống tự động hóa ở cấp độ cao nhất là hệ thống robot hóa. Hệ thống robot hóa là hệ thống được lập trình để thiết bị hoạt động tự động hoàn toàn không có sự can thiệp của con người. Hệ thống này thường được thiết kế để sử dụng trong khai thác các mỏ ở xa xôi với các điều kiện môi trường làm việc khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng của con người. Ngoài ưu điểm tránh các rủi ro cho con người, an toàn và hiệu quả, việc áp dụng hệ thống robot hóa còn giúp tiết giảm được thời gian (thời gian cho việc ăn uống, nghỉ ngơi của con người).
Các hệ thống tự động quản lý và vận hành tối ưu hóa quy trình sản xuất này đã được áp dụng nhiều tại các mỏ ở Nga và các quốc gia trên thế giới, mang lại hiệu quả, an toàn vận hành và giảm chi phí.
Tại buổi làm việc, các cán bộ, chuyên gia của Viện KHCN Mỏ đã có những trao đổi, tìm hiểu chuyên sâu về những vấn đề liên quan có thể áp dụng cho các mỏ khai thác than, khoáng sản của Việt Nam. Ông Lưu Văn Thực, Phó Viện trưởng Viện KHCN Mỏ đã bày tỏ sự quan tâm, mong muốn hợp tác để đưa những hệ thống tự động hóa này vào áp dụng tại các mỏ khai thác than – khoáng sản của Việt Nam.
Buổi làm việc là cơ sở để hai bên có những bước tiến mới trong vấn đề hợp tác lâu dài./.
Đ.L