Ngày 22/9/2023, Hội đồng Khoa học công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của Tập đoàn TKV giai đoạn 2016 ÷ 2020 và đề xuất định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện giai đoạn 2021-2030″ do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin thực hiện, ông Đỗ Hồng Nguyên, Trưởng Ban KCL, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu đề tài
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được thành lập năm 2005, hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất kinh doanh than, khoáng sản, cơ khí, điện, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp… Trải qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay Tập đoàn TKV đã trở thành một trong ba trụ cột an ninh năng lượng quốc gia.
Trong thời gian qua, Tập đoàn TKV đã luôn chú trọng công tác phát triển, ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng; duy trì, phát triển các tổ chức nghiên cứu, tư vấn; xây dựng, nâng cấp các phòng thí nghiệm liên quan đến các lĩnh vực sản xuất; đào tạo nâng cao trình độ cho CBVC; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; ban hành và hoàn thiện các chính sách về KH&CN; khuyến khích phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị sản xuất, lập quỹ phát triển KH&CN; xây dựng các chương trình KH&CN trọng điểm dài hạn và triển khai áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, đảm bảo môi trường và an toàn lao động.
Trong giai đoạn tiếp theo, xác định KH&CN là một trong những giải pháp để phát triển bền vững, năm 2020 Tập đoàn TKV đã giao cho Viện KHCN Mỏ thực hiện đề tài này.
TS. Trần Minh Tiến, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại Hội nghị
Theo báo cáo của đề tài, tính từ năm 2016 đến năm 2020, tổng kinh phí từ các nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách sự nghiệp khoa học của Bộ Công Thương và Quỹ KH&CN của Tập đoàn TKV… cho các hoạt động KH&CN của Tập đoàn TKV là khoảng 600 tỷ đồng, bình quân 120 tỷ đồng/năm. Và kết quả là:
Giai đoạn 2011 ÷ 2015, các đơn vị trong Tập đoàn TKV đã triển khai thực hiện trên 200 nhiệm vụ KH&CN các cấp trên cơ sở lồng ghép với 10 chương trình KH&CN trọng điểm. Giai đoạn 2016 ÷ 2020, các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện gần 300 nhiệm vụ KH&CN các cấp trên cơ sở lồng ghép với 06 chương trình KH&CN trọng điểm. Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng vào sản xuất và đem lại hiệu quả tốt, có thể kể đến như:
Chương trình cơ giới hóa, hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản đã giúp các đơn vị giảm tổn than trong khai thác lộ thiên từ 5,5% xuống còn 4,5%; tăng tỉ trọng sản lượng khai thác bằng cơ giới hóa trong tổng sản lượng khai thác hầm lò từ 2,6% lên 10,9%; giảm tổn thất trong khai thác vỉa dốc xuống 1,5 ÷ 2,5 lần và tăng tỉ trọng số lượng mét lò neo trong tổng số mét lò đào từ 0,97% ÷ 8,32%; năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất than đã tăng bình quân khoảng 12%.
Chương trình thiết kế, chế tạo nội địa hoá các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện đã nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm chế tạo tăng từ 50 ÷ 60% giai đoạn trước năm 2016 lên 90 ÷ 95% trong những năm gần đây, đáp ứng >50% nhu cầu thiết bị của các đơn vị sản xuất chế biến than; chế tạo thành công một số thiết bị phục vụ Dự án khai thác hầm lò mỏ Núi Béo (giảm giá trị đầu tư gần 30% so với phương án nhập khẩu từ nước ngoài), thực hiện thành công gói thầu EPC số 7, xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất chính cho Dự án Nhà máy sàng tuyển Vàng Danh 2.
Chương trình phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu, nâng cao giá trị sử dụng than – khoáng sản đã giúp nâng công suất, hoàn thiện công nghệ cho các nhà máy, phân xưởng sàng tuyển than; tăng sản lượng kim loại đồng, kẽm, v.v.
Chương trình nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hoá chất đã kết nối thành công các hệ thống cảnh báo khí, áp dụng các giải pháp phòng ngừa than tự cháy, phòng chống bục nước; nâng cao chất lượng môi trường trong khai thác chế biến than, khoáng sản; mở rộng quy mô sản xuất trong lĩnh vực hóa chất từ chủ yếu sản xuất thuốc nổ đã phát triển đến chuỗi sản xuất khép kín, từ tiền chất thuốc nổ đến thuốc nổ và sử dụng thuốc nổ…
Về việc định hướng triển khai các hoạt động KH&CN của Tập đoàn TKV đến năm 2030, đề tài đã đề xuất 06 chương trình KH&CN trọng điểm gồm: Cơ giới hóa các công đoạn sản xuất mỏ than, khoáng sản và nhà máy điện; chuyển đổi số doanh nghiệp; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện; thăm dò, khảo sát, an toàn, môi trường, vật liệu và hóa chất; phát triển logistics, khai thác chuỗi giá trị gia tăng của Tập đoàn TKV và nâng cao năng lực quản lý, chuẩn hoá các mô hình quản trị doanh nghiệp và tăng cường tiềm lực KH&CN của Tập đoàn TKV.
Trên cơ sở các kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng KHCN Tập đoàn TKV đã thống nhất nghiệm thu. Kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở để Tập đoàn định hướng phát triển các hoạt động KH&CN, ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, xây dựng Tập đoàn TKV ngày càng lớn mạnh./.
Đ.L