Hội đồng Khoa học Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp Quốc gia do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ chủ trì thực hiện

Ngày 25/12/2023, Hội đồng Khoa học Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia, phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025, thực hiện đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025“Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nổ mìn tại khu vực đất đá ngậm nước cho các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin chủ trì thực hiện.

TS. Đoàn Văn Thanh, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại Hội đồng

Nổ mìn là khâu đi đầu trong các khâu công nghệ trên mỏ lộ thiên, chất lượng nổ mìn và giá thành nổ mìn ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, giá thành các khâu công nghệ xúc bốc, vận tải, nghiền đập (đối với băng tải) và hiệu quả công tác khai thác lộ thiên.

Trên thế giới, tại các mỏ lộ thiên người ta đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ nổ mìn trong khu vực đất đá ngậm nước như: Công nghệ nạp cách nước (nạp thuốc nổ không chịu nước trong ống PVC, nạp thuốc nổ không chịu nước trong túi nilon, nạp nổi lượng thuốc); nạp phối hợp thuốc nổ chịu nước và không chịu nước; nạp hoàn toàn thuốc nổ chịu nước và kết hợp các giải pháp bơm tháo nước lỗ khoan, khoan thoát nước mỏ. Với từng điều kiện tự nhiên, kỹ thuật tại các mỏ mà các công nghệ trên đều đã và đang phát huy hiệu quả nhất định trong việc nâng cao mức độ đập vỡ đất đá trong khu vực đất đá ngậm nước. Tại Việt Nam, đã có các công trình nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ như: Nạp thuốc nổ Anfo trong túi nilon; nạp thuốc nổ Anfo trong ống PVC; nạp phối hợp thuốc nổ chịu nước và Anfo; nạp hoàn toàn bằng thuốc nổ chịu nước. Đến nay, một số giải pháp công nghệ vẫn đang được duy trì phục vụ sản xuất như công nghệ nạp phối hợp, nạp hoàn toàn bằng thuốc nổ chịu nước. Bên cạnh đó, một số công nghệ chưa phát huy hiệu quả do chưa có phương pháp thi công, thiết kế công nghệ phù hợp. Do đó, việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ là yêu cầu cấp thiết. Năm 2021, Bộ Công Thương giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin thực hiện đề tài này với mục tiêu: Hoàn thiện các giải pháp công nghệ đồng bộ về nổ mìn trong điều kiện đất đá ngậm nước, giảm chi phí bóc đất đá, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cho các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đề xuất được công nghệ nổ mìn sử dụng thuốc nổ không chịu nước tại các khu vực ngậm nước; xây dựng quy trình công nghệ nổ mìn mẫu tại khu vực đất đá ngậm nước; xây dựng công nghệ và thông số nổ mìn mẫu tại khu vực đất đá ngậm nước.

Đề tài đã tập trung nghiên cứu các nội dung chính bao gồm: Khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên – kỹ thuật và hiện trạng công nghệ nổ mìn tại các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh; nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên – kỹ thuật tới hiệu quả nổ mìn tại khu vực đất đá ngậm nước; nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ nổ mìn tại khu vực đất đá ngậm nước cho các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh; thử nghiệm nổ mìn tại một số bãi nổ theo công nghệ đề xuất của đề tài và xây dựng quy trình nổ mìn khu vực đất đá ngậm nước.

Từ kinh nghiệm trên thế giới và nghiên cứu đặc điểm địa chất công trình, địa chất thủy văn, điều kiện khai thác tại các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh, Đề tài đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ nổ mìn tại khu vực đất đá ngậm nước cho các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh và phối hợp cùng Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Cẩm Phả và Công ty CP than Cao Sơn áp dụng thử nghiệm nổ mìn tại 09 bãi nổ thuộc mỏ than Cao Sơn, áp dụng các công nghệ: Nạp thuốc nổ không chịu nước trong túi nilon; nạp phối hợp thuốc nổ chịu nước và không chịu nước trong túi nilon; nạp phối hợp thuốc nổ chịu nước và không chịu nước; nạp hoàn toàn thuốc nổ chịu nước.

Các bãi nổ thử nghiệm đều có kết quả đất đá đồng đều, tỷ lệ đá quá cỡ đảm bảo theo quy định của Tập đoàn TKV, phù hợp với đồng bộ thiết bị xúc bốc – vận tải của mỏ. Đồng bộ thiết bị khâu công nghệ xúc bốc – vận tải hoạt động an toàn, hiệu quả, năng suất thiết bị làm việc được cải thiện tốt so với hiện tại của mỏ Cao Sơn.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Trường Đại học Mỏ Địa chất – Hà Nội Uỷ viên phản biện phát biểu tại Hội đồng

PGS.TS. Phùng Mạnh Đắc – Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội đồng

TS. Lưu Văn Thực – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, đại diện lãnh đạo Viện phát biểu tại Hội đồng

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài, các thành viên của Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nhận định đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo đề cương đã đăng ký, sản phẩm đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Sản phẩm dạng I – Các bãi nổ ở khu vực đất đá ngậm nước mỏ than Cao Sơn được nổ thử nghiệm theo công nghệ của Đề tài với 09 bãi nổ đảm bảo hiệu quả đập vỡ đất đá, mở rộng phạm vi sử dụng thuốc nổ không chịu nước và giảm khối lượng thuốc nổ chịu nước sử dụng tại khu vực đất đá ngậm nước. Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài./.

Đ.L

 

Các mục khác