Làm việc với Công ty TNHH Thương mại Quảng Mại Nam Ninh (Trung Quốc)

Ngày 15/01/2024, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã tiếp và làm việc với đoàn công tác thuộc Công ty TNHH Thương mại Quảng Mại Nam Ninh (Công ty Quảng Mại Nam Ninh) về vấn đề công nghệ mới trong các lĩnh vực xây dựng mỏ, khai thác hầm lò, chế biến than – khoáng sản, máy thiết bị mỏ và điện tự động hóa.

Tham gia buổi làm việc, về phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ có ông Đào Hồng Quảng – Viện trưởng, ông Nhữ Việt Tuấn – Phó Viện trưởng và một số trưởng phòng các phòng chuyên môn của Viện có liên quan, về phía Công ty Quảng Mại Nam Ninh có ông Vi Hải Đào – Tổng Giám đốc, ông Vi Hải Luân – Giám đốc Công ty, bà Trương Thế Mỹ – Phó Tổng Giám đốc, ông Vi Ngọc Vân – Tổng Cố vấn.

Toàn cảnh buổi làm việc

Công ty Quảng Mại Nam Ninh là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ & thiết bị khai thác, chế biến than, khoáng sản. Công ty và Viện là đối tác lâu năm, đã có nhiều công trình hợp tác, chuyển giao công nghệ như công trình áp dụng giàn chống, cột thủy lực đơn, giá khung trong khai thác than hầm lò, sử dụng máy lọc ép trong tuyển than tại Công ty than Vàng Danh, Công ty than Thống Nhất, Công ty than Quang Hanh…

Trao đổi tại buổi làm việc, phía Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác trong những vấn đề liên quan đến công nghệ sản xuất chất dẻo chống lò; nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công tác đào chống lò, khai thác than; công nghệ, thiết bị sàng tuyển, chế biến than, khoáng sản.

Giới thiệu về ngành Than – Khoáng sản của Trung Quốc, ông Vi Hải Đào cho biết: Hiện nay, sản lượng khai thác than trung bình của Trung Quốc đạt trên 4,0 tỷ tấn/năm; các công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến than – khoáng sản ngày càng mới và hiện đại; hệ thống quản lý hoạt động trong các lò chợ thông minh, mức độ tự động hóa ngày càng cao, thay thế sức lao động của con người. Trên cơ sở những yêu cầu đặt ra của Viện, phía Công ty Quảng Mại Nam Ninh sẽ nghiên cứu, lựa chọn và giới thiệu những thiết bị, công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để đảm bảo việc áp dụng đạt hiệu quả kinh tế và mức độ an toàn cao nhất. Buổi làm việc là cơ sở để hai bên tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới./.

 Đ.L

 

Các mục khác