Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ khai thác vỉa mỏng sử dụng máy khoan xoắn ở các mỏ than hầm lò Quảng Ninh”

Ngày 03/6/2024, Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ khai thác vỉa mỏng sử dụng máy khoan xoắn ở các mỏ than hầm lò Quảng Ninh” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin chủ trì thực hiện, PGS.TS. Phùng Mạnh Đắc – Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam làm Chủ tịch.

TS. Trần Minh Tiến – Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả tại Hội đồng

Than là tài nguyên năng lượng không tái tạo và đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng của mỗi quốc gia, do đó việc khai thác tối đa và hiệu quả trữ lượng than luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trước đây, các vỉa than mỏng chưa được tính vào trữ lượng công nghiệp vì khó khai thác, hiệu quả không cao khi áp dụng các công nghệ khai thác truyền thống. Tuy nhiên, tại những nước có ngành công nghiệp khai thác than phát triển, các phương pháp khai thác vỉa mỏng được áp dụng rất đa dạng, phong phú.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2023, Bộ Công Thương giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ khai thác vỉa mỏng sử dụng máy khoan xoắn ở các mỏ than hầm lò Quảng Ninh”.

Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài, trong ranh giới các dự án mỏ hầm lò đã được quy hoạch thuộc vùng Quảng Ninh (Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/03/2016) có khoảng 30 triệu tấn trữ lượng tại các vỉa than mỏng chưa được huy động khai thác. Nguyên nhân là các loại hình công nghệ khai thác hiện đang áp dụng tại các mỏ chỉ phù hợp cho điều kiện chiều dày vỉa than từ 1,6m trở lên. Các sơ đồ công nghệ khai thác vỉa mỏng đã được đề cập trong các công trình nghiên cứu trước đây như cơ giới hóa khấu than bằng máy khấu, máy bào than, cào tời kết hợp chống giữ bằng cột chống thuỷ lực đơn, giàn chống tự hành, v.v. hiện chưa được triển khai do kiện địa chất kỹ thuật các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh tương đối phức tạp, phần trữ lượng tại các vỉa mỏng không tập trung, khó mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Một trong các giải pháp công nghệ mà các nước phát triển như Nga, Mỹ, Australia, Séc, Ba Lan, Trung Quốc, v.v đã và đang áp dụng để khai thác vỉa mỏng có hiệu quả là sử dụng máy khoan xoắn trong khai thác các vỉa mỏng đến dày trung bình có chiều dày không ổn định, trữ lượng nhỏ, phân tán. Ưu điểm của  công nghệ này là: Mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao; quy trình khai thác đơn giản; hệ số an toàn cao do không có người trong gương khai thác và việc điều khiển tổ hợp tại lò dọc vỉa cần rất ít nhân lực; giá thành khai thác, chi phí đầu tư thiết bị thấp.

Từ kinh nghiệm trên thế giới và kết quả nghiên cứu, khảo sát đặc điểm địa chất công trình, địa chất – kỹ thuật, trữ lượng vỉa tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các sơ đồ công nghệ khai thác gồm: Sơ đồ công nghệ khoan khai thác từng dải theo phương và sơ đồ công nghệ khoan khai thác từng dải theo hướng dốc; tổ hợp đồng bộ thiết bị khoan xoắn đề xuất sử dụng gồm: máy khoan xoắn dạng cải tiến MZ75/165, MZ110/240, MZ132/292; máng cào SGB420/30; máy khoan khí nén ZQJC-220/6.4S; hệ thống mônôray khí nén DD20A … khu vực được lựa chọn lập thiết kế công nghệ khai thác là lò chợ mỏ than Khe Chàm III; đề xuất áp dụng thử nghiệm 01 – 02 dây chuyền máy khoan xoắn tại các mỏ Khe Chàm III, Mông Dương, Khe Tam, Ngã Hai và Lộ Trí trong giai đoạn 2025 ÷ 2030 và hoàn thiện, mở rộng áp dụng trong giai đoạn tiếp theo.

PGS. TS. Phùng Mạnh Đắc – Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị

TS. Trương Đức Dư – Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng phát biểu tại Hội nghị

Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Công Thương đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài và thống nhất nghiệm thu, là cơ sở để Tập đoàn TKV triển khai áp dụng vào thực tiễn sản xuất trong thời gian tới./.

Đ.L

 

Các mục khác