Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở

Ngày 26/6/2024, Hội đồng Khoa học Công nghệ Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tổ chức Hội nghị nghiệm thu 02 đề tài: “Nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ (đến 100 nghìn tấn) tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”, do TS. Phan Văn Việt làm chủ nhiệm và đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phá hỏa ban đầu lò chợ cột dài theo phương bằng phương pháp nổ mìn trong lỗ khoan dài tại các mỏ hầm lò thuộc TKV” do TS. Trần Minh Tiến làm chủ nhiệm, TS. Đào Hồng Quảng – Viện Trưởng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ làm Chủ tịch Hội đồng

TS. Đào Hồng Quảng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị

1. Đối với đề tài “Nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ (đến 100 nghìn tấn) tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”, nhóm thực hiện đã tập trung nghiên cứu các nội dung chính bao gồm: Tổng quan kinh nghiệm áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa (CGH) cho điều kiện diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ trên thế giới; đánh giá hiện trạng và kết quả áp dụng công nghệ khai thác CGH tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh; nghiên cứu đề xuất các sơ đồ công nghệ, đồng bộ thiết bị CGH phù hợp với điều kiện diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ tại các mỏ than hầm lò thuộc TKV; nghiên cứu đề xuất và xây dựng giải pháp kỹ thuật trong công tác chuẩn bị, lắp đặt và thu hồi đồng bộ thiết bị CGH cho các điều kiện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ tại các mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn TKV; thiết kế áp dụng công nghệ cho điều kiện cụ thể tại một mỏ than hầm lò thuộc Tập đoàn TKV.

Hiện nay, toàn Tập đoàn TKV có tổng số 12 dây chuyền lò chợ cơ giới hóa (CGH) đồng bộ trong các điều kiện vỉa, khoáng sàng than khác nhau. Năng suất lao động trực tiếp lò chợ đã đạt 15 – 20 tấn/công, gấp 2-5 lần so với lò chợ thủ công, đặc biệt là mức độ an toàn cao và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc nhân rộng số lượng các dây chuyền này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra một số dây chuyền lò chợ chưa đạt được công suất thiết kế, guyên nhân chủ yếu là do điều kiện địa chất vùng Quảng Ninh phức tạp, khó quy hoạch diện sản xuất có quy mô trữ lượng lớn để phù hợp áp dụng mô hình công nghệ CGH đồng bộ hiện có. Các lò chợ khoan nổ mìn vẫn giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt là các lò chợ chống giữ bằng giá khung/giá xích. Với đặc điểm khai thác ngày càng xuống sâu và đi xa, điều kiện khai thác khó khăn, việc duy trì sản xuất áp dụng công nghệ chủ đạo bằng khoan nổ mìn thủ công kéo theo nhu cầu nhân lực và giá thành sản xuất tăng caotừ thực tế đó, Tập đoàn TKV đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài này nhằm nghiên cứu, đề xuất mô hình và đồng bộ thiết bị khai thác CGH phù hợp áp dụng cho diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ (đến 100 nghìn tấn), thay thế các lò chợ khoan nổ mìn, chống giữ bằng giá khung/ giá xích.

TS. Phan Văn Việt, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước trên thế giới và đánh giá hiện trạng áp dụng các mô hình, sơ đồ công nghệ CGH tại các mỏ than hầm lò, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu đề xuất mô hình, sơ đồ công nghệ CGH đồng bộ cũng như thiết bị cho điều kiện diện sản xuất có quy mô trữ lượng nhỏ tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh. Cùng với với mô hình, sơ đồ công nghệ, để nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ, đề tài đã đề xuất và xây dựng các giải pháp kỹ thuật trong công tác vận chuyển, lắp đặt, khấu tạo diện và thu hồi thiết bị lò chợ, v.v… Đồng thời trên cơ sở hiện trạng và kế hoạch huy động tài nguyên, đề tài đã xây dựng định hướng áp dụng công nghệ cho các mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn TKV tại vùng than Quảng Ninh. Để sớm đưa công nghệ vào thực tế sản xuất, Viện KHCN Mỏ – Vinacomin đã và đang phối hợp với các đơn vị có khả năng áp dụng công nghệ như Công ty than Khe Chàm, Núi Béo, Nam Mẫu,… triển khai đánh giá, lập dự án đầu tư áp dụng công nghệ. Dự kiến mô hình công nghệ CGH sẽ được Công ty than Khe Chàm đầu tư và đưa vào thực tế sản xuất trong quý IV năm 2024.

2. Theo nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phá hỏa ban đầu lò chợ cột dài theo phương bằng phương pháp nổ mìn trong lỗ khoan dài tại các mỏ hầm lò thuộc TKV” –  phá hỏa ban đầu đá vách cho các lò chợ dài là công đoạn quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu quả cũng như mức độ an toàn trong khai thác lò chợ. Hiện nay, các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh thường áp dụng các giải pháp đào cúp, đào thượng vách hoặc đào cúp kết hợp với thượng vách về phía sau thượng khởi điểm sau đó khoan nổ mìn phá sập các đường lò này để phá hỏa ban đầu đá vách. Các giải pháp này mang lại hiệu quả tốt đối với lò chợ có vách trực tiếp thuộc loại dễ sập đổ hoặc vị trí phá hỏa gần khu vực khai thác cũ, đứt gãy, v.v. Đối với lò chợ có đá vách thuộc loại sập đổ trung bình đến khó sập đổ việc áp dụng các giải pháp này chưa đạt hiệu quả và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toan. Đây là tồn tại lớn trong công tác phá hỏa ban đầu tại các mỏ than hầm lò thuộc Tập đoàn Công nhiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Do đó, TKV đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài này nhằm nghiên cứu giải pháp phù hợp hơn.

TS. Trần Minh Tiến, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trên cơ sở kết quả tổng hợp, đánh giá phân loại đá vách tại một số mỏ hầm lò thuộc TKV, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp phá hỏa ban đầu bằng nổ mìn trong các lỗ khoan dài. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được triển khai áp dụng thử nghiệm tại lò chợ TT10.3 vỉa 10, mỏ than Ngã Hai Công ty than Quang Hanh. Kết quả bước đầu cho thấy giải pháp phù hợp với điều kiện mỏ. Các mục tiêu đặt ra đều đạt yêu cầu, đá vách của lò chợ đã sập đổ hoàn toàn, cho phép đưa lò chợ vào giai đoạn khai thác thường kỳ với phương pháp phá hỏa toàn phần. Để hoàn thiện giải pháp, hiện nay Viện Khoa học Công nghệ Mỏ tiếp tục phối hợp với Công ty than Quang Hanh theo dõi hiện trường.

TS. Trương Đức Dư, Hội Khoa học Công nghệ Mỏ – Việt Nam phản biện tại Hội nghị 

TS. Đào Văn Chi – Trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội phản biện tại Hội nghị

TS. Đinh Văn Cường – Viện Khoa học Công nghệ Mỏ phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến trong đó đánh giá các đề tài có hàm lượng khoa học, thông tin phong phú, đáng tin cậy, tính thực tiễn cao, nội dung, sản phẩm của đề tài được đảm bảo về số lượng, chất lượng theo đề cương đã đăng ký. Hội đồng Khoa học đã thống nhất nghiệm thu, đồng thời yêu cầu nhóm thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung báo cáo trước khi trình Tập đoàn TKV tổ chức đánh giá, nghiệm thu./.

Đ.L

 

 

 

 

 

Các mục khác