Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) nghiệm thu đề tài do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin thực hiện

Ngày 28/8/2024, Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn TKV tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xác định năng suất nhân tố tổng hợp (TFP – Total Factor Productivity) trong TKV” do ThS. Vũ Tuấn Sử, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ làm chủ nhiệm. Ông Đỗ Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch hội đồng chủ trì Hội nghị.

ThS. Vũ Tuấn Sử, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại Hội đồng

Khái niệm năng suất đã được các nhà khoa học kinh tế ngày càng mở rộng và hoàn thiện. Năng suất được chuyển hướng chính theo kết quả đầu ra. Để tăng năng suất không nhất thiết phải tăng vốn hay lao động, nhưng kết quả đầu ra vẫn có thể khả quan hơn bằng cách sử dụng tốt nhất các yếu tố đầu vào kết hợp cải tiến tổ chức, quản lý sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng lao động… Nhờ tác động tổng hợp các yếu tố trên sẽ tạo ra giá trị gia tăng mới cao hơn. Như vậy, ngoài phần đóng góp của từng nhân tố đầu vào (lao động, vốn) chúng ta còn thấy một phần giá trị mới do nhân tố vô hình tạo ra. Bộ phận này được gọi là nhân tố tổng hợp TF (Total Factor) và năng suất do nhân tố tổng hợp tạo ra được gọi là năng suất nhân tố tổng hợp TFP (Total Factor Productivity).

Trên thế giới, chỉ tiêu TFP đã được sử dụng từ rất lâu tại nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để đánh giá sự phát triển của các ngành và nền kinh tế. Năm 1998, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã tiến hành một dự án khảo sát quốc tế về đo lường TFP với sự tham gia của 10 nước, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, các đơn vị của Tập đoàn TKV đang tính toán năng suất lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước cho các sản phẩm than, khoáng sản, điện, cơ khí và hóa chất, chưa triển khai thực hiện tính toán năng suất vốn và năng suất TFP. Để nâng cao năng suất một cách bền vững, trong bối cảnh nguồn lực hữu hình (vốn, lao động) là hữu hạn, phần vốn vô hình (đổi mới, sáng tạo) còn rất nhiều tiềm năng đòi hỏi Tập đoàn TKV cần đo lường năng suất nhân tố tổng hợp và khai thác, phát triển phần tài sản vô tận này. Như vậy, chỉ có tăng trưởng kinh tế nhờ vào tăng TFP mới là sự tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn TKV.

Đề tài đã đánh giá tình hình thực hiện năng suất trong các đơn vị của Tập đoàn TKV giai đoạn 2016 – 2022; phân tích điều kiện sản xuất có ảnh hưởng đến chỉ tiêu năng suất; nghiên cứu đề xuất phương pháp đo lường TFP phù hợp với thực tế sản xuất của Tập đoàn TKV; xây dựng quy trình tính toán TFP; tính toán thử nghiệm năng suất theo phương pháp đo lường TFP hằng năm trong giai đoạn 2016÷2022 cho 8 đơn vị thuộc Tập đoàn TKV. Các kết quả  tính toán thử nghiệm cho thấy quy trình tính toán các chỉ tiêu năng suất do Đề tài xây dựng là phù hợp với việc quản lý, điều hành và điều kiện sản xuất thực tế của các đơn vị. Kết quả tính toán thử nghiệm có thể sử dụng để phân tích, đánh giá tình hình hoạt động hiện tại của đơn vị mình và so sánh với các đơn vị khác nhằm đặt ra mục tiêu và biện pháp khắc phục những vấn đề tồn tại về hiệu quả sử dụng vốn, lao động và các nhân tố tổng hợp TF. Cũng trên cơ sở này, các đơn vị sẽ quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ quá trình làm việc của người lao động, đánh giá được mức độ hiệu quả trong công việc của mỗi người cũng như thực hiện các chế độ đãi ngộ, khen thưởng hay xử phạt công bằng, khách quan hơn. Tập đoàn TKV cũng dễ dàng so sánh mức độ cạnh tranh giữa các ngành nghề, lĩnh vực từ đó sẽ có những phương hướng chiến lược kinh doanh bền vững, hiệu quả hơn.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài là cơ sở để Tập đoàn TKV triển khai áp dụng tại các đơn vị./.

Đ.L

Các mục khác